Kỷ niệm nhỏ với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

0 0
Read Time:5 Minute, 57 Second

(QBĐT) – Tôi là một người lính thời chống Mỹ, nhưng không được may mắn phục vụ dưới “trướng” của Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Mãi tới khi ông là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nhiều lần về công tác ở Quảng Bình, tôi mới được tiếp cận để ghi hình làm phóng sự. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024), xin ghi lại vài kỷ niệm ấn tượng mà tôi còn nhớ.

 

Vị tướng yêu rừng

 

Ông yêu rừng với tấm lòng biết ơn của một người lính “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Rừng, trong trái tim ông là người bạn, là đồng minh che chở cho đoàn quân “năm năm chín” của ông suốt 16 năm đứng vững để hàng ngày, hàng đêm vận chuyển nguồn binh lực cho cuộc chiến ở miền Nam, thống nhất đất nước. Rừng gắn bó để “Chiến trường Trường sơn” và chính ông trên cương vị Tư lệnh đã trở thành huyền thoại.

 

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi Quảng Bình mới tái lập tỉnh còn ngổn ngang trăm mối, ông đã về khảo sát rừng và chỉ đạo phát triển kinh tế. Ông có sức khỏe, đi rừng xông xáo khiến giới trẻ chúng tôi phải ráng sức mới theo được. Mỗi lần phóng viên giơ máy quay phim và máy ảnh lên ông thường thân mật nhắc nhở: Chụp tôi là phải có rừng đấy nhé. Ảnh mà không có rừng là “chết” với tôi!

 

Ông yêu rừng, yêu cây nhưng đặc biệt không ưa cây bạch đàn và cây sắn. Ông cho rằng cây sắn là biểu tượng của đói nghèo và cây bạch đàn làm cằn hóa đất đai. Có câu chuyện vui, ông đi khảo sát và kiểm tra ý tưởng của Quảng Bình về “Vành đai rau xanh Tây Đồng Hới”. Ông Thũn là Trưởng ban Kinh tế mới của TX. Đồng Hới tháp tùng. Trước khi đi, Chủ tịch TX. Đồng Hới (giai đoạn 1995-2000) Phạm Văn Thử đã dặn, lộ trình không nên đi qua vùng có nhiều nương sắn và bạch đàn.

 

Đoàn công tác đi khảo sát đến gần trưa thì dừng lại một bãi cỏ sạch dưới tán cây có bóng mát để nghỉ ngơi giải khát. Dưa hấu được bổ ra, một cán bộ thị xã tay cầm miếng dưa, tay chỉ lên trời nháy nháy. Một vài người nhìn lên nhịn cười: Chúng tôi đang ngồi dưới một rừng cây… bạch đàn.





Đặc phái viên Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên năm 1992 ở miền Tây Quảng Bình.
Đặc phái viên Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên năm 1992 ở miền Tây Quảng Bình.

Lần ông thay mặt Thủ tướng về giải quyết một vài chuyện còn “tồn đọng” ở tỉnh ta. Hội trường có mặt gần đủ các cán bộ cốt cán của tỉnh. Ngồi cạnh tôi là kỹ sư Hoàng Viết Ái, Giám đốc Nông trường Lệ Ninh, một đơn vị kinh tế khá mạnh thời đó, lo đủ việc làm cho hơn 1.200 nông trường viên lại đang có tranh chấp với chính quyền sở tại một diện tích đất.

 

Hoàng Viết Ái là thương binh. Ông nhập ngũ khi đang là sinh viên đại học, chiến đấu ở chiến trường B3 (Tây Nguyên), cũng nằm trên trục hành lang chiến trường Trường Sơn, ra quân với quân hàm trung sĩ. Tôi ngồi cạnh Ái, một lúc thấy anh ra ngoài hơi lâu khi “cụ” Nguyên đang “rên rỉ” về cây sắn và cây bạch đàn. Rồi đó, hội nghị chuyển sang vấn đề về 600 mẫu đất ở Lệ Ninh, vừa kịp Hoàng Viết Ái trở vào ngồi xuống.

 

Trung tướng hỏi: Có đồng chí Giám đốc Nông trường Lệ Ninh đây không?

 

Trung sĩ: Có tôi! (Tác phong quân nhân vẫn lưu lại ở Ái).

 

Trung tướng: Vậy, bây giờ tôi chuyển cho anh 600 mẫu đất ấy thì anh làm gì?

 

Trung sĩ: Dạ, báo cáo thủ trưởng, trước mắt chúng tôi sẽ trồng sắn và bạch đàn ạ.

 

Mặc dù không khí đang nghiêm túc nhưng cả hội trường đều phá lên cười khiến vị giám đốc nông trường… ngơ ngác.

 

Kính mẹ, thương con và tình yêu nước

 

Ông có một người mẹ rất đáng kính nếu không muốn nói là vĩ đại. Vùng quê Quảng Trạch quen gọi “Mẹ Đồng”. Các con, cháu của mẹ đều trưởng thành là những cán bộ có năng lực và nhân cách. Khi chúng tôi đến xã Quảng Trung, Quảng Trạch (nay thuộc TX. Ba Đồn) làm phim “Ngôi nhà có ba vị tướng” thì mẹ đã rời cõi tạm. Dân làng nhắc đến mẹ với sự kính trọng đặc biệt. Thời cải cách ruộng đất, mẹ bị quy sai. Sau khi được sửa sai, mẹ hoạt động trong phong trào đoàn kết dân cư và được bầu vào Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Trạch.

 

Trong tác phẩm “Đường xuyên Trường Sơn”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dành những lời yêu thương gan ruột nhất để nói về lòng mẹ: “Bố tôi mất khi tôi vừa tròn 8 tuổi, mẹ tảo tần gánh thêm phần chồng hôm sớm nuôi con. Đất nghèo, con đông. Khó lấy gì đo được nỗi vất vả gian nan mà mẹ chịu đựng để chúng tôi được học hành nên người… Chia tay giữa chiều đông, mẹ cứ dặn đi dặn lại: “Mạ già rồi, nhưng ở nhà có chị em, bà con chòm xóm. Con khỏi lo, cố mà giữ sức khỏe để phục vụ dân, phục vụ Đảng”. Phút chia xa, nhìn ráng chiều nghiêng xuống hiên nhà, như chính “bóng chiều” đổ xuống cuộc đời gian truân của mẹ, tôi khó lê nổi bước xuống thuyền!”.

 

Cách nay cũng chừng hơn 20 năm, tôi có dịp đến nhà Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở Hà Nội, tình cờ nhìn lên tường thấy tấm bằng “Tổ quốc ghi công” tên con trai ông hy sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc khi đang là đại đội trưởng pháo binh. Về Đồng Hới, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Huế, là cháu gọi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bằng bác ruột, cho biết, dù đã có quyết định sang Liên Xô theo học tại Học viện Pháo binh thì chiến tranh biên giới nổ ra, anh để lại quyết định xuất ngoại để cùng đồng đội lên biên giới chống giặc và hy sinh.

 

Thời kỳ ấy, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đang là Phó Thủ tướng Chính phủ. Thương con, một lần vợ ông than thở sao nỡ để con ra trận và hy sinh, ông nhẹ nhàng phân bua: “Nếu con mình không chết thì con người khác sẽ chết”. Suy nghĩ ấy, ở cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước thật cao cả và nhân văn.

Nguyễn Thế Tường

https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202405/ky-niem-nho-voi-trung-tuong-dong-sy-nguyen-2218100/

About Post Author

Hoàng Hải Anh

Dạo Weblog chia sẻ lăng kính cá nhân về cuộc sống, biến đổi, trải nghiệm. Thông qua những câu chuyện tự kể, hoặc đơn giản chỉ là những bài viết hay từng đọc qua
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post Lễ giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lần thứ 324
Next post Đại tướng sống mãi trong lòng cựu chiến binh Quảng Bình