Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tứcLàng nghề trước thách thức thời gian

Làng nghề trước thách thức thời gian

(QBĐT) – Làng nghề truyền thống không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phong phú. Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế thị trường, quy mô của không ít làng nghề truyền thống đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một.

Đến thôn 8, xã Đồng Trạch (Bố Trạch), nhìn cổng chào với dòng chữ “làng nghề truyền thống Mai Hồng”, nhiều người có thể hình dung được sự phát triển hưng thịnh của một làng nghề rèn đúc truyền thống xưa. Theo những người lớn tuổi trong làng, nếu đến làng Mai Hồng cách đây 10-20 năm trước sẽ thấy được không khí lao động nhộn nhịp, rộn ràng của người dân nơi đây. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, làng nghề truyền thống Mai Hồng đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một.

Ông Hoàng Minh Đức, Trưởng thôn 8, xã Đồng Trạch trầm ngâm cho biết: Làng nghề truyền thống Mai Hồng đã có lịch sử hàng trăm năm nay với các nghề, như: Đúc, rèn, gò, hàn cơ khí. Trải qua thời gian dài tồn tại và phát triển, dù phải đối mặt với không ít thách thức nhưng người dân vẫn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Trước đây, nghề rèn đúc là nghề chính của người dân trong làng. Hầu như nhà nào cũng đỏ lửa làm việc cả ngày. Bây giờ, mặc dù người dân đã có đầu tư máy móc vào để nâng cao năng suất, chất lượng, thế nhưng sản phẩm làm ra lại không thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngoài thị trường có giá thành rẻ hơn. Sản xuất không có lợi nhuận, vì vậy mà bây giờ số hộ theo nghề truyền thống còn rất ít.


Những Chiếc Nón Lá Quy Hậu Làm Thủ Công Bền Đẹp Nhưng Giá Trị Đầu Ra Không Cao.
Những chiếc nón lá Quy Hậu làm thủ công bền đẹp nhưng giá trị đầu ra không cao.

Ông Đức nhẩm tính, làng có trên 169 hộ thì chỉ còn chưa đến 10 hộ còn theo nghề. “Thế hệ những người lớn tuổi thì biết nghề rèn đúc, còn những người trẻ sau thì họ có biết làm nghề này đâu. Hầu hết các em sau khi học xong cấp 3 thì theo học những ngành nghề khác hoặc đi xuất khẩu lao động chứ ít ai theo nghề truyền thống”, ông Đức cho biết.

Bà Trần Thị Bê, thôn 8, xã Đồng Trạch một trong những người vẫn còn theo nghề truyền thống của làng tâm sự: Nghề rèn đúc là nghề gia truyền do cha ông để lại. Ngày xưa, trong làng có rất nhiều người theo nghề. Tuy nhiên, hiện nay do thu nhập từ nghề này chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu nên nhiều người không còn gắn bó với nghề. Nhiều người đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động để tìm cơ hội làm giàu. Bây giờ trong làng chỉ có năm ba lò còn hoạt động, nhưng mỗi tháng chỉ có năm ba ngày “đỏ lửa”.

Cũng như nghề rèn đúc Mai Hồng, nghề làm nón lá ở Quy Hậu, xã Liên Thủy (Lệ Thủy) cũng đang đứng trước những khó khăn về duy trì nghề truyền thống của làng. Nếu như trước đây, thời điểm nghề làm nón ở làng Quy Hậu phát triển, bà con trong làng, không kể già hay trẻ, nam hay nữ, cứ vào lúc nông nhàn lại mang nón ra chằm. không khí lao động vui tươi khắp đầu làng cuối xóm. Tuy nhiên hiện nay, do sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng của người dân dần thay đổi. Vì vậy mà việc tìm đầu ra của nón lá Quy Hậu ngày càng gặp khó khăn, cộng với giá thành mỗi sản phẩm làm ra  không cao khiến nhiều người, nhất là những người trẻ không còn mặn mà với nghề.

Gắn bó với nghề từ khi còn trẻ, đến nay đã bước qua tuổi 60 nhưng, hàng ngày, bà Nguyễn Thị Hương vẫn cần mẫn luồn những mũi kim để chằm nón. Bà cho biết: Ngày nào rảnh rỗi vợ chồng tôi chăm chỉ cũng làm được 2 cái nón. Tính ra, mỗi ngày vợ chồng bà bán được khoảng 50.000 đồng/2 chiếc nón. Trừ chi phí cũng lời được 30.000-40.000 đồng/ngày.


Toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó có 19 làng nghề và 10 làng nghề truyền thống. Có khoảng 30% các làng nghề, làng nghề truyền thống có cơ sở áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất. Đây là cơ sở để các làng nghề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để từng bước hội nhập với thị trường đang ngày càng phát triển.

Không chỉ riêng nghề rèn đúc Mai Hồng, nón lá Quy Hậu mà hiện nay, không ít làng nghề truyền thống ở các địa phương cũng đang vất vả để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.

Dù đứng trước những khó khăn, thách thức và nguy cơ dần bị mai một nhưng không thể phủ định những giá trị kinh tế và hơn hết là giá trị văn hóa phong phú mà các làng nghề truyền thống này đã từng mang lại.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Hiện nay, bên cạnh các làng nghề đang duy trì và phát triển tốt thì có không ít các làng nghề đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Trước những khó khăn mà các làng nghề đang gặp phải, để giúp các làng nghề duy trì và phát triển, tỉnh đã có các hoạt động hỗ trợ các làng nghề, như: Hỗ trợ các làng nghề bún, bánh mè xát xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tăng cường quảng bá các sản phẩm các làng nghề qua các hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích các làng nghề thành lập hợp tác xã và hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để cải tiến máy móc, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường, qua đó tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho các làng nghề (một số cơ sở làng nghề đã được hỗ trợ, như: Làng nghề bánh mè xát Tân An, làng nghề mây tre đan Quảng Tiến, làng nghề mây tre đan Quảng Văn…)

Đ.N

https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202412/lang-nghe-truoc-thach-thuc-thoi-gian-2223072/