(QBĐT) – Với những công lao to lớn trong quá trình khai khẩn, lập nên làng Lệ Sơn xưa, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) ngày nay, mới đây, mộ và miếu thờ Lê Văn Hành vinh dự được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo gia phả họ Lê làng Lệ Sơn, ông Lê Văn Hành sinh quán tại làng Yên Mô thượng, tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, trấn Thanh Hoa ngoại, nay là xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Cuối năm 1470, ông phò tá vua Lê Thánh Tông thân chinh mở mang bờ cõi về phương Nam. Trên đường trở ra Bắc, đến cửa sông Linh Giang (sông Gianh), nhìn lên phía Tây, xa xa thấy ngọn núi đá vôi giống ngọn Lèn Bảng quê hương mình, ông đã cho thuyền ngược dòng đi khảo sát. Với nhãn quan của một người am hiểu về phong thủy, nhận thấy xứ Cồn Vang (tên Nôm của vùng đất Lệ Sơn xưa) thật sự là nơi “sơn kỳ, thủy tú”, hội tụ những yếu tố thuận lợi cho việc lập nghiệp, ông quyết định đến khai canh lập ấp, làm nơi sinh sống lâu dài cho con cháu.
Thời điểm này, nhà hậu Lê đang có chính sách chiêu mộ dân cư đến khai khẩn ruộng hoang ở phía Nam. Ông đã về quê vận động con cháu, họ hàng cùng các môn đệ, mộ thêm dân vào xứ Cồn Vang khai canh lập ấp. Trên đường vào Bố Chính, ông còn chiêu mộ thêm được nhiều dân đinh ở Ninh Bình và một số địa phương lân cận như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau này trở thành thủy tổ của các dòng họ Bùi, Nguyễn, Trần của làng Lệ Sơn. Trong Yên Mô sơn xuyên nhân vật bi ký, tức Bia ghi chép về sông núi và nhân vật đất Yên Mô, do Phạm Thận Duật soạn năm Quý Dậu, Tự Đức năm thứ 26 (1873) có đoạn “Duy Lê tộc tòng cư Quảng Bình, Lệ Sơn thượng xã thử giai khả ký dã”[1], nghĩa là còn họ Lê di cư vào xã Lệ Sơn thượng ở Quảng Bình. Đó là điều cũng có thể chép lại.
Với quan điểm “dĩ nông vi bản”, ông chú trọng việc khai hoang, đắp đập giữ nước, làm bờ vùng, bờ thửa cho đồng ruộng. Ông đặc biệt coi trọng việc kiến thiết vườn tược, với quan niệm “nhất mẫu trạch bằng bách mẫu ruộng” (một mẫu đất vườn bằng trăm mẫu đất ruộng), xem đó là nguồn thu chính trong đời sống người dân. Sau 10 năm khai sơn, phá thạch, kiến thiết thôn xóm, ruộng đồng, năm 1481, ông dâng biểu xin triều đình lập làng xã. Triều đình nhà Lê cử Cai tri châu Bố Chính là Nguyễn Huy Tưởng cùng đoàn giám đạc về xứ Cồn Vang đo ruộng đất, thiết lập sổ địa bạ, đinh bạ và đặt tên cho xã. Ông và ông Nguyễn Huy Tưởng đặt tên chữ cho xứ Cồn Vang là Lệ Sơn, nghĩa là hình núi vải.
Sau khi hoàn tất việc lập làng, ông đến xứ Trại Côi (nay là xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn) mời ông Trần Cảnh Huống về Lệ Sơn mở trường dạy học cho con em. Ông có bảy người con trai và một con gái. Khi về già, ông sống với người con trai út là Lê Thuần Phác ở thôn Xuân Tổng, xã Lệ Sơn thượng. Cô con gái út là Lê Thị Nại xinh đẹp, thông minh nên được quan Cai tri châu Bố Chính Lạng động hầu Nguyễn Huy Tưởng đem lòng yêu mến và kết duyên thành vợ chồng. Với những công lao, đóng góp to lớn cho quê hương, ông được dân làng tôn làm phúc thần của làng. Ông được suy tôn là Thủy tổ họ Lê và xứng đáng để truy phong làm Bản thổ Thành hoàng làng Lệ Sơn. Tuy nhiên, trước khi mất, ông đã có di nguyện tiến cử con rể làm Thành hoàng, vì đã có nhiều đóng góp cùng ông trong việc lập làng. Vì vậy sau khi mất, Cai tri châu Bố Chính Lạng động hầu Nguyễn Huy Tưởng được suy tôn làm Thành hoàng làng và triều Nguyễn sắc phong làm Bản thổ Thành hoàng làng Lệ Sơn. Câu chuyện cảm động xưa nay hiếm đó là nhạc phụ tiến cử con rể thay mình làm Thành hoàng làng Lệ Sơn đã trở thành mỹ tục luôn được người đời ngợi ca.
Sau khi ông mất, con cháu trong dòng tộc đã chọn một trong những vị trí được coi là đẹp nhất vùng Lệ Sơn để mai táng, đó là lùm mộ tổ, nay thuộc thôn Phúc Tự. Mộ ông quay về hướng tây bắc, ban đầu đắp bằng đất, được con cháu gìn giữ nên trải qua hàng trăm năm ngôi mộ vẫn còn giữ nguyên vẹn. Với những công lao to lớn đó, ông được triều Nguyễn sắc phong “Khai canh lập ấp, Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”. Về sau tiếp tục được gia tăng lên hàng “Đoan túc tôn thần”, cho lập miếu thờ ở xứ Cây Trôi và cấp ruộng để lấy hoa lợi cúng tế hàng năm. Đến triều Nguyễn ban cho ông sắc phong “Tiền khai canh làng Lệ Sơn”[2].
Năm 2021, dòng tộc đã trùng tu phần mộ của ông bao gồm các hạng mục như mộ, am thờ cùng với hàng rào khuôn viên được xây hoàn toàn bằng đá xám Ninh Bình, quê hương ông. Khuôn viên mộ ông hình vuông, mỗi cạnh dài 10m. Theo gia phả dòng họ, miếu thờ ông được xây dựng vào năm 1934 tại đồng Cây Trôi, mặt hướng về phía Nam. Miếu thờ ông thường được gọi “Miệu họ Lê dưới”. Công trình thiết kế theo kiến trúc truyền thống bao gồm các hạng mục cổng, tường bao, bình phong, sân, nhà bái đường, long đình hậu chẩm, tả vu, hữu vu… Đây là kiểu kiến trúc thời Nguyễn như đền, miếu thờ truyền thống thường gặp ở khu vực phía Bắc Quảng Bình. Quần thể miếu thờ quy mô không quá lớn nhưng được bài trí đăng đối, thoáng đãng, toát lên vẻ cổ kính, thâm nghiêm.
Hiện nay, con cháu dòng họ còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị lịch sử như 1 lư hương to bằng đá, 8 lư hương nhỏ bằng gốm, 1 lá cờ khai canh do vua Bảo Đại ban cho họ Lê vào năm 1940, 8 sắc phong và 18 chỉ dụ của các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban thưởng cho Tuần phủ Lê Duy Di, hậu duệ dòng họ Lê. Do thiên nhiên khắc nghiệt và biến thiên của lịch sử, nhất là hai cuộc chiến tranh, sắc phong của các triều đại cấp cho ông đã bị thất lạc hết, lá cờ Khai canh bị mục, rách nhiều chỗ, một số sắc phong, chỉ dụ bị hư hỏng, không còn nguyên vẹn.
Dưới triều Nguyễn, làng Lệ Sơn đã có 26 vị cử nhân, 70 vị tú tài[3]. Từ buổi đầu khai khẩn, lập làng đến nay, hậu duệ của ông Lê Văn Hành đã có 19 thế hệ nối tiếp nhau, góp công góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Dưới chế độ phong kiến, họ Lê có 9 cử nhân, trong đó 1 người đỗ Hương cống triều hậu Lê, 8 người đỗ cử nhân triều Nguyễn. Hậu duệ Lê tộc làng Lệ Sơn đều được các triều đại trọng dụng, giao giữ nhiều chức vụ quan trọng, có nhiều đóng góp cho nước nhà, tiêu biểu như: Tuần phủ Lê Duy Di, Tri phủ Lê Huệ, Án sát sứ Quảng Nam Lê Thời Tập….
Di tích mộ và miếu thờ Lê Văn Hành là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa về một dòng họ có nhiều nhân vật tiêu biểu được lịch sử ghi nhận. Trong đó, ông Lê Văn Hành là một trong những người có công lao to lớn trong việc khai khẩn, lập nên làng Lệ Sơn xưa. Di tích còn là nơi tri ân các bậc tổ tiên, nơi khắc ghi, đề cao tinh thần siêng năng, cần cù, hiếu học, khổ luyện thành tài. Đó là nguồn cổ vũ tinh thần vô giá để các thế hệ hậu duệ dòng tộc hôm nay và mai sau ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện lập thân, lập nghiệp, góp phần dựng xây đất nước.
Ghi nhận công lao đóng góp trong quá trình khai khẩn, lập nên làng Lệ Sơn, ngày 10/9/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2585/QĐ-UBND xếp hạng mộ và miếu thờ Lê Văn Hành là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ dòng tộc họ Lê đã chung tay vun đắp, dựng xây và làm rạng danh quê hương xứ sở.
Trọng Đại-Hữu Danh
[1] Phạm Đình Nhân, Phạm Thận Duật toàn tập, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, năm 2000, tr.522.
[2] Lê Trọng Đại, Trần Hữu Danh, Địa chí làng Lệ Sơn, NXB Thuận Hóa, Huế, 2014, tr300.
[3] Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Quảng Bình, Lịch sử Quảng Bình; NXB Chính trị-Hành chính, Hà Nội, 2014, tr417.
https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/le-van-hanh-tien-khai-canh-lang-le-son-2222292/