24.1 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDu LịchLịch sử, văn hóa, con người Quảng Bình trong sáng tác mỹ...

Lịch sử, văn hóa, con người Quảng Bình trong sáng tác mỹ thuật

(QBĐT) – Quảng Bình là mảnh đất có nhiều biến thiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc điểm vị trí địa lý là “cầu nối” hai miền Bắc-Nam nên Quảng Bình trở thành nơi giao thoa và tiếp biến của nhiều nền văn hóa, trong đó tiêu biểu là Chăm-Việt. Dải đất hẹp nhất được mệnh danh là “chiếc đòn gánh” của đất nước chứa đựng những giá trị độc đáo, phong phú về các giá trị, di sản văn hóa, lịch sử.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Bình là vùng đất lửa chịu nhiều đau thương, nhưng cũng từ đó mà sản sinh ra những con người kiên trung, bất khuất, trở thành những vị tướng tài, những anh hùng của dân tộc, làm rạng danh quê hương. Lịch sử về mảnh đất và con người nơi đây là mảng đề tài lớn cho sáng tác văn học-nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng.

 

Sáng tác mỹ thuật về đề tài văn hóa, lịch sử luôn là một thử thách đối với mỗi nghệ sĩ, đặc biệt là loại hình có ngôn ngữ biểu đạt tạo hình trực quan như mỹ thuật. Những biểu tượng, di sản về văn hóa, lịch sử, nhân vật lịch sử đã trở thành giá trị chung của mỗi người dân, vì vậy, đòi hỏi người nghệ sĩ cần có quá trình tìm hiểu về lịch sử, thấm hiểu về văn hóa, từ đó xây dựng nên hình tượng nghệ thuật thể hiện sát đúng với thời đại, vấn đề cần biểu đạt.

 

Mảnh đất này cũng gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Trịnh-Nguyễn… là chứng nhân lịch sử của quá trình tiến về phía Nam của người Việt.

Từ năm 1604, khi Chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Đàng Trong đã đổi tên từ phủ Tiên Bình thành Quảng Bình đến nay đã 420 năm. Nhiều công trình kiến trúc quân sự, nghệ thuật được xây dựng phục vụ cho chính quyền Đàng Trong tại Quảng Bình, như: Hệ thống Lũy Thầy, thành Đồng Hới

 

Mảnh đất này cũng có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, nhiều giá trị văn hóa, lễ hội được công nhận ở cấp quốc gia, cấp tỉnh… Cùng đó là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số phía Tây Quảng Bình, trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

 

Mỹ thuật Quảng Bình từ trước đến nay cũng đã có một số tác phẩm về đề tài này, trong đó đã có tác phẩm nổi bật, ghi dấu ấn trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại, như tác phẩm tượng đài Mẹ Suốt của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến được thực hiện năm 2003. Đây là tác phẩm tiêu biểu về con người Quảng Bình bất khuất, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Anh cũng có tác phẩm Người đi mở cõi (Phác thảo tượng Trại sáng tác điêu khắc Quốc tế) về vị danh nhân Quảng Bình Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh-người mang gươm đi mở cõi, mở rộng lãnh thổ quốc gia.





Tiếng Vọng- Nguyễn Lương Sáng
Tiếng vọng. Ảnh: Nguyễn Lương Sáng

Họa sĩ Văn Đắc với tác phẩm Quảng Bình quan (bẹ chuối) và các bức phong cảnh chất liệu bẹ chuối về các di tích lịch sử; họa sĩ Đoàn Văn Thịnh với tác phẩm tranh sơn dầu Hội rằm tháng ba, Hội thi cà kheo về các lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc; nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái với tác phẩm Vị tướng huyền thoại, Bơi trải (gò đồng); Nguyễn Đại Thăng với tác phẩm Lễ hội đập trống (sơn mài) về văn hóa người Bru-Vân Kiều; họa sĩ Nguyễn Thành Trung với tác phẩm Lễ hội đình làng Phan Long, Đại tướng với quê hương Quảng Bình (đồ họa); họa sĩ Trương Minh Luyện với tác phẩm Đại tướng với quê hương Lệ Thủy (Acrylic); Nguyễn Quốc Vượng với tác phẩm Vị tướng vì hòa bình (vỏ trứng), Ba miền (Acrylic); Đặng Minh Quý với tác phẩm bột màu Đường về thể hiện sinh hoạt đời thường của con người trong không gian của các công trình kiến trúc cổ kính; Nguyễn Hoàng Linh, Nguyễn Lương Sáng với các tác phẩm về con người và văn hóa vùng biển; Võ Hải, Trần Công Thoan, Phạm Hồng Đạt… với các tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; họa sĩ Nguyễn Hữu Thanh với các tác phẩm phong cảnh trực họa về di tích cổ, như: Thành Đồng Hới, cửa Đông, tháp chuông Tam Tòa…

 

Nhìn chung, các tác phẩm của mỹ thuật Quảng Bình về mảng đề tài này chủ yếu khai thác về các nhân vật lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Một số tác phẩm đã tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực và quốc gia, nhưng số lượng chưa nhiều, chủ yếu dừng lại ở mức thử nghiệm, lưu giữ cảm xúc nhanh với hình thức thể hiện quen thuộc, nội dung đơn giản.

 

Cũng chưa có nhiều tác phẩm lớn, đầu tư tìm tòi thể hiện được bề dày lịch sử, sự phong phú của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hiện diện trên quê hương Quảng Bình; hay những tác phẩm thể hiện được nét độc đáo riêng có về bản sắc văn hóa, vùng đất và con người Quảng Bình. Có thực tế trên, bởi để có những tác phẩm tốt hơn về mảng đề tài lớn này cần sự đầu tư về chiều dài thời gian và cả kinh phí cho việc tìm hiểu, thâm nhập thực tế, nghiên cứu tư liệu văn hóa, lịch sử để từ đó xây dựng hình thức, lựa chọn chất liệu thể hiện phù hợp.

 

Với chiều dài của quá trình hình thành và phát triển, Quảng Bình chứa đựng bề dày về lịch sử, văn hóa và những truyền thống tốt đẹp, đây đề tài rộng lớn để các họa sĩ, nhà điêu khắc vận dụng trong sáng tác, để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao. Đặc biệt, tháng 11/2023, tỉnh Quảng Bình phát động cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật nhân kỷ niệm 420 năm hình thành Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024). Cuộc vận động sẽ  khích lệ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ và các tác giả sáng tác nên nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật trên các thể loại, trong đó có mỹ thuật.

 

Sáng tạo nghệ thuật luôn phải xuất phát từ cảm xúc chân thật của trái tim với những điều gần gũi, thân quen, thuộc về đời sống và không gian xung quanh chúng ta. Những giá trị về văn hóa, lịch sử mà các thế hệ tiền nhân và cha ông xưa dày công xây đắp, truyền lại vô cùng quý giá. Việc khai thác đưa vào các tác phẩm nghệ thuật còn có tác dụng to lớn trong việc truyền đạt và giáo dục cho các thế hệ trẻ lòng tự hào về quê hương, đất nước. Qua đó, để các thế hệ tiếp nối trân trọng, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị và truyền thống tốt đẹp trong hành trang xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nguyên Sa

https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202405/quang-binh-hao-khi-420-nam-1604-2024-lich-su-van-hoa-con-nguoi-quang-binh-trong-sang-tac-my-thuat-2217971/