Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeQuảng BìnhMùa gieo hạt ở Trường Sơn

Mùa gieo hạt ở Trường Sơn

(QBĐT) – Xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh) nằm phía đầu nguồn sông Đại Giang. Con sông tuy hung dữ vào mùa lũ tràn nhưng lại hiền hòa, thanh bình ở những mùa còn lại trong năm. Mẹ thiên nhiên ưu ái cho vùng thung lũng quanh trung tâm xã một lớp phù sa màu mỡ qua bao lần con nước xuống lên, để rồi vào dịp thời khắc xuân đến, người dân Trường Sơn hẹn nhau cày đồng, vỡ đất, xuống mùa gieo hạt mới, kịp hoàn thành công việc đồng áng khi Tết Nguyên đán cận kề.

 

Xuân ra đồng

 

Phía đầu nguồn Đại Giang, dòng sông eo lại nút cổ chai ngay chân cầu treo Cây Sú, càng ngược lên phía trên, vùng đất đôi bờ mở rộng ra liên tục thành những bãi bồi màu mỡ phù sa, thành tài sản đất trồng màu của đồng bào Kinh, Bru-Vân Kiều thuộc các thôn, bản: Hồng Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn, Long Sơn, Liên Xuân, Cây Sú, Cây Cà…

 

Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức ví dòng Đại Giang như dòng sữa mẹ, bồi đắp phù sa liên tục cho vùng thung lũng trung tâm, từ đó tạo nên các nông sản đặc trưng, chất lượng của xã, như: Ngô, lạc, sắn, các loại đậu thương phẩm… Tổng diện tích gieo trồng hàng năm, gồm: Ngô 25ha, lạc 185ha, sắn 218ha, đậu các loại 55ha, đậu xanh 10ha… Hàng năm, bà con xuống đồng, làm đất, gieo hạt khoảng từ giữa tháng 11 âm lịch cho đến đầu tháng chạp thì hoàn thành. Khi cây ngô, cây đậu, cây lạc gặp đất đai màu mỡ nhú mầm, vươn hình hài lớn dậy, người dân hẹn nhau làm cỏ, bón phân… Công việc hoàn thành cũng là lúc Tết Nguyên đán đã chạm đầu bản, làng.

 

Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tân Sơn Nguyễn Văn Lợi phấn khởi: Vụ đông-xuân năm nay, Tân Sơn vẫn là đơn vị dẫn đầu toàn xã về diện tích trồng màu với 20ha. Ngoài các loại cây trồng truyền thống thì thôn Tân Sơn vận động 15 hộ gia đình thực hiện chuyển đổi sang trồng gừng thương phẩm trên diện tích 2ha. Ban đầu thử nghiệm, giống gừng rất hợp với đất đai, khí hậu Trường Sơn. Hy vọng đây là một hướng đi đúng, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích.


Mùa Gieo Hạt Ở Trường Sơn
Mùa gieo hạt ở Trường Sơn

Trên cánh đồng bản Cây Sú, Bí thư kiêm Trưởng bản Hồ Kiu bắt chuyện cùng tôi: “Cả bản có 6,5ha đất trồng màu anh ạ! Bà con trồng lạc, ngô, đậu xanh… Theo lịch thời vụ của xã, đồng bào trong bản ai cũng nghiêm túc thực hiện. Nên ngày xuống đồng vui như ngày hội. Nhiều hộ trong bản, như: Hồ Văn Trường, Hồ Văn Dương, Hồ Văn Duân có diện tích đất màu từ 10 đến 12 sào. Nếu được mùa thì bà con không lo đói”.

Gạt những giọt mồ hôi loang trên mặt, Hồ Văn Trường góp chuyện: “Có đất đai màu mỡ, có sức lao động thì cố gắng chăm lo làm ăn chứ. Công sức bỏ ra, nếu được mùa thì cái bụng không đói. Bán ngô, bán đậu đi… là có  tiền cho con cái học hành”.

Gặp lại tôi khi mùa gieo hạt kết thúc, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức bảo: Đến thời điểm này, chỉ tiêu gieo trồng các loại cây lương thực chính vụ đông-xuân của xã Trường Sơn cơ bản hoàn thành với 20ha ngô, 120ha lạc, 10ha đậu xanh và đậu các loại 55ha…

Nhà nhà đều có Tết yêu thương

 

Mặc dù đời sống của người dân xã Trường Sơn có rất nhiều đổi thay so với trước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm 27,2%; hộ cận nghèo chiếm 11,3%, tập trung ở các bản đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều.

 

Tạm gác lại việc đồng áng khi Tết Nguyên đán cận kề, người dân Trường Sơn hẹn nhau lo chuẩn bị một cái Tết cổ truyền an lành… nhà nhà đều có Tết. Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Trần Thị Thùy Dung chia sẻ: “Đất và người Trường Sơn khá đặc biệt. Tết Nguyên đán cũng là lúc nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc hướng về Trường Sơn, gieo những hạt giống yêu thương giúp mọi nhà ở Trường Sơn đều có Tết an lành, Tết yêu thương”.


“Qua một năm 2024 ít bị tác động vì thiên tai, người dân xã Trường Sơn kỳ vọng năm tới mưa thuận gió hòa khi bước vào mùa gieo hạt mới. Dù còn bộn bề khó khăn nhưng luôn kỳ vọng sẽ đến ấm no trong vòng tay sẻ chia tình người khi Tết đến. Quà Tết cho mọi người dân xã Trường Sơn năm nay trị giá gần đến 2 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Trần Thị Thùy Dung cho biết thêm.

Theo lời Phó Chủ tịch Trần Thị Thùy Dung, 349 hộ nghèo được nhận quà Tết trị giá 1 triệu đồng/suất. Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” do Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với UBND xã tổ chức tại bản Cây Sú; chương trình “Xuân biên giới” năm 2025 của Đoàn Khối các cơ quan tỉnh hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ba bản Chân Trôộng, Bến Đường, Khe Cát.

Đặc biệt, bản Rìn Rìn được đón Bí thư Tỉnh ủy đến thăm và chúc Tết, trao quà Tết mỗi hộ trị giá 1,5 triệu đồng. Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh trao 181 suất quà Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Quà Tết, UBND xã ưu tiên cho các bản vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, như: Dốc Mây, PLoang, Rìn Rìn, Hôi Rấy, Nước Đắng…

Tôi gặp lại Nguyễn Văn Tráng, nguyên cán bộ xã Trường Sơn, bây giờ là “địa chỉ” tin cậy cho các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước gửi nguồn lực về trợ giúp cho xã Trường Sơn khi anh vừa hướng dẫn một đoàn thiện nguyện từ TP. Hải Phòng vào trao quà Tết cho đồng bào các bản PLoang, Rìn Rìn, Hôi Rấy, Nước Đắng trở về. Anh Tráng cho biết: “Đoàn thiện nguyện Hải Phòng đã trao 158 suất quà Tết cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, trị giá hơn 110 triệu đồng. Bà con vui lắm!”.

 

“Xã Trường Sơn tuy còn nghèo nhưng trọn nghĩa, vẹn tình, người dân khắp cả nước ai cũng yêu thương, tấm lòng luôn hướng về, nhất là lúc thiên tai, lũ lụt, lúc Tết đến, xuân về. Riêng nguồn quà Tết do em kết nối đã hơn 1.000 suất giúp đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở 15 bản và các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người tàn tật, học sinh nghèo vượt khó học giỏi…”, Tráng bộc bạch.

 

Với Nguyễn Văn Tráng và những ai luôn đau đáu về Trường Sơn-đó là hạnh phúc, trở thành nhịp cầu nối mang yêu thương khắp mọi miền gửi quê hương mình khi Tết cổ truyền cận kề.

 

Ngô Thanh Long

https%3A%2F%2Fwww.baoquangbinh.vn%2Fxa-hoi%2F202501%2Fmua-gieo-hat-o-truong-son-2223682%2F