Mỹ thuật Quảng Bình: “Nên mạnh mẽ viết những trang mới khác”

0 0
Read Time:6 Minute, 54 Second

(QBĐT) – Đó là lời của ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khi trao đổi thân mật với các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ Quảng Bình tại triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ 29, năm 2024 vừa diễn ra tại Trung tâm Triển lãm, hội chợ và quảng cáo tỉnh Thanh Hóa. Ông tâm tình: “Mảnh đất và con người Quảng Bình có những điều thú vị, từ bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân…, các bạn trẻ nên mạnh dạn vượt lên viết những trang mới cho mỹ thuật Quảng Bình trên nền tảng các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của quê hương.”

 

Trong lời phát biểu khai mạc triển lãm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung hôm nay đã có sự chuyển giao thế hệ rõ nét, đã có, đang và sẽ xuất hiện thế hệ trẻ làm tươi mới cho mỹ thuật khu vực, góp phần quan trọng vào sự đổi mới của nền mỹ thuật Việt Nam hôm nay”.                                             

 

Nhận định này cho thấy sự ghi nhận của Hội Mỹ thuật Việt Nam đối với lực lượng sáng tác trẻ đang ngày càng thực hiện tốt vai trò kế thừa và sáng tạo, sẵn sàng đảm nhận sự chuyển giao thế hệ, tiếp tục hành trình sáng tạo làm mới mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung nói riêng và nền mỹ thuật Việt Nam nói chung.                                            

 

Trong tổng số 226 tác phẩm của 188 tác giả được trưng bày trong triển lãm, chiếm đa số là tác giả trẻ đến từ 6 tỉnh trong khu vực là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.





Khách tham quan triển lãm.
Khách tham quan triển lãm.

Mỹ thuật Quảng Bình tham gia triển lãm lần này có 20 tác phẩm của 18 tác giả, trong đó có 17 tác phẩm của 15 tác giả là thế hệ 8X và 9X. Từ đó có thể nói, đã có một thế hệ sáng tác trẻ của tỉnh nhà đam mê sáng tạo đang từng ngày khẳng định mình. Các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ hôm nay là thế hệ được đào tạo, phát triển trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, giao lưu quốc tế, thông tin rộng rãi giúp các tác giả tiếp cận các phương thức biểu đạt mới của nghệ thuật thị giác. Có nhiều điều kiện thuận lợi để trao đổi chuyên môn và học hỏi lẫn nhau qua các diễn đàn mở, các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế…, tạo nên bản lĩnh trong tư duy và ngôn ngữ tạo hình thể hiện qua các tác phẩm.

 

Tác phẩm “Rừng nhân gian” chất liệu sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng (SN 1981, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) là câu chuyện về cuộc sống nhân sinh. Từ suy nghĩ đời người cũng như đời cây, sinh ra-lớn lên… đều phải vượt qua những biến động, trắc trở để trưởng thành, phát triển. Những vết sẹo là minh chứng cho bản lĩnh con người biết vượt qua những khó khăn, trắc trở để tiếp tục hành trình sống cũng giống như thân cây xù xì, gai góc chi chít những vết thương của thời gian đã lành da. Mỗi con người là một cá nhân trong xã hội, mỗi cái cây sẽ tạo nên khu rừng rộng lớn. Tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật trao 1 trong 2 giải B (không có giải A).

 

Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Xuân Thành (SN 1990, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) với tác phẩm điêu khắc“Hồi sinh” chất liệu sắt hàn, thể hiện hình tượng hạt lúa đang nẩy mầm. Đó là sự tái tạo một cuộc sống mới đầy mạnh mẽ. Với thủ pháp xây dựng khối rỗng từ những sợi sắt hàn chặt vào nhau, mài nhẵn tạo nên ấn tượng về hành trình nhọc nhằn tích tụ năng lượng, trải qua “nắng cháy, mưa dầm” để nẩy nở một hành trình sống mới đầy hứa hẹn. Nhìn tổng quan, người xem có liên tưởng như đang thấy một chồi non lực lưỡng vươn lên từ những mảng nứt vỡ của đất… Tác phẩm đã đoạt giải khuyến khích trong triển lãm này.

 

Tác phẩm điêu khắc “Sinh ly” chất liệu sắt hàn của tác giả Nguyễn Thành Chung (SN 1989) được Hội đồng nghệ thuật giới thiệu tham dự xét giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam năm 2024 (dành cho hội viên Hội VHNT địa phương). Là tác giả trẻ, hội viên mới của Hội VHNT Quảng Bình nhưng anh có cách đặt vấn đề khá sâu sắc cùng kỹ thuật xử lý chất liệu vững vàng, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ đáng kể. Cấu trúc tác phẩm được xây dựng từ hai khối gai góc được kết nối với nhau bằng một sợi xích, trên đó có những giọt nước đang buông xuống. Có thể những biến cố trong cuộc sống của người trẻ trong bước đầu gây dựng sự nghiệp và cuộc sống gia đình còn nhiều biến động là cảm xúc để tác giả thực hiện tác phẩm này. Dù không được đào tạo chuyên về sáng tác, nhưng cho thấy đối với sáng tác, khi sự thôi thúc muốn giải bày những điều sâu kín trong tâm hồn đủ lớn, tác giả sẽ tự tìm ra phương cách nghệ thuật để diễn đạt những điều mình muốn nói về cuộc sống.

 

Tác phẩm của các tác giả trẻ khác cũng cho thấy có sự trưởng thành, vững vàng trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng thông qua bút pháp, chất liệu. Nhà điêu khắc Trương Trần Đình Thắng tiếp tục với chất liệu điêu khắc gỗ với phẩm “Trầm tích Nhật Lệ” (tác phẩm này trước đó đã đoạt giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác VHNT kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình…). Các tác phẩm hội họa Mùa chim hòa bình (tổng hợp) của Nguyễn Chiêu Sinh, Mùa hoa nở (Acrylic) của Trần Xuân Mạnh, “Ngóng”, “Miền cổ tích” (có yếu tố mới mang tính sắp đặt) chất liệu màu nước của Lê  Thuận Long, “Đêm công trình” (lụa) của Phạm Hồng Đạt, “Giao hòa” (Acrylic) của Hồ Trọng Lâm, “Nhịp sống” (tổng hợp) của Nguyễn Quốc Vượng… đã góp phần khẳng định vào sự khởi sắc của mỹ thuật Quảng Bình trong triển lãm lần này, tạo nên bản hòa âm đa sắc màu của giới mỹ thuật 6 tỉnh Bắc miền Trung.

 

Trong bình diện chung của mỹ thuật khu vực, cho thấy khoảng cách về chất lượng tác phẩm giữa những đơn vị có điều kiện phát triển mỹ thuật như tỉnh Quảng Bình với các trung tâm nghệ thuật lớn như Thừa Thiên-Huế không còn khác biệt. Các tác giả ở các địa phương còn nhiều khó khăn khi đời sống mỹ thuật chưa sôi động nhưng họ đã biết chủ động tìm ra con đường trong sáng tạo để kể về những câu chuyện nghệ thuật theo cách riêng của mình.

 

Tuy nhiên, từ những lời chia sẻ tâm huyết của các thành viên Hội đồng nghệ thuật và của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam về “Sự mới khác” đặt ra cho mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc tỉnh nhà những suy nghĩ mới về hành trình tiếp tục vượt lên chính mình của ngày hôm nay trong sáng tạo để cùng nhau tạo nên những trang mới của mỹ thuật Quảng Bình mang hơi thở của cuộc sống đương đại nhưng vẫn chứa đựng những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Nguyên Sa

https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202409/my-thuat-quang-binh-nen-manh-me-viet-nhung-trang-moi-khac-2220801/

About Post Author

Hoàng Hải Anh

Dạo Weblog chia sẻ lăng kính cá nhân về cuộc sống, biến đổi, trải nghiệm. Thông qua những câu chuyện tự kể, hoặc đơn giản chỉ là những bài viết hay từng đọc qua
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post Vì sao công trình Nhà văn hóa bản Tà Leng vẫn chưa thể triển khai?
Next post Quảng bá vẻ đẹp văn hoá truyền thống các dân tộc Lai Châu tại Quảng Bình | Dân tộc – Tôn giáo