Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

Vững tin bước vào năm mới

(QBĐT) - Trong khí thế vui tươi, phấn khởi của năm mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh vững tin chào...
HomeDu LịchNghe tiếng xuân về chạm bản!

Nghe tiếng xuân về chạm bản!

(QBĐT) – Ngày cuối năm, theo lời mời của Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Quang, tôi tìm về Trường Xuân (Quảng Ninh). Theo con đường cán nhựa phẳng lỳ dẫn vào trung tâm xã, tôi dừng chân trên cầu Rào Đá. Chiếc cầu là niềm mơ ước của nhiều thế hệ người dân Trường Xuân bây giờ đã thành hình hài, nối những niềm vui, đưa Trường Xuân xích lại gần hơn với đồng bằng.

Nhịp cầu nối những niềm vui

Cụ Trần Văn Dạy (SN 1934), cựu chiến binh chống Pháp ở thôn Quyết Thắng thấy tôi bâng khuâng trên chiếc cầu mới lại gần bắt chuyện. Cụ bảo năm nay mình tròn 90 tuổi, sắp đi hết cuộc đời, nay thấy cầu Rào Đá xây xong, người dân trong xã “vui như Tết” mà ấm lòng. Vì sao? Chiếc cầu cũ làm từ năm 1992 thế kỷ trước, cho đến khi chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình năm 2024, bị xuống cấp trầm trọng, người dân mỗi lần qua cầu đều nơm nớp sợ rơi xuống sông Rào Đá vì cầu chẳng có lan can, già nua, ọp ẹp. Khi cầu mới xây xong nối liền hai bờ Rào Đá, nối Trường Xuân với đường Hồ Chí Minh, rất nhiều người dân Trường Xuân mua sắm ô tô, rứa là mừng lắm!

Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang cho biết: Cầu Rào Đá là công trình thuộc Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông, chính thức thông xe vào tháng 9/2024. Có thể khẳng định rằng, chiếc cầu mơ ước này đã tạo nhiều thuận lợi giúp xã Trường Xuân phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).


Công Trình Cầu Rào Đá, Giúp Xã Trường Xuân Kết Nối Thuận Lợi Hơn Với Miền Xuôi.
Công trình cầu Rào Đá, giúp xã Trường Xuân kết nối thuận lợi hơn với miền xuôi.

Sở dĩ Chủ tịch Phạm Văn Quang trân trọng mời tôi đến thăm quê hương ông là vì năm 2024, Trường Xuân có rất nhiều đột phá trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, tranh thủ các chương trình, dự án, xã Trường Xuân tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Giai đoạn 2022-2025, xã Trường Xuân được phân bổ trên 22.550 triệu đồng để phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi. Đến năm 2024, nguồn vốn phân khai thực hiện rất nhiều hạng mục: Hơn 6.660 triệu đồng hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; 7.073 triệu đồng quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định khu dân cư; 3.784 triệu đồng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; 4.884 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng ĐBDTTS…

“Nhờ những “cú hích” từ các chương trình, dự án, bộ mặt nông thôn các bản ĐBDTTS ngày càng khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đầu tư xây dựng đồng bộ; đường giao thông đến tận trung tâm bản; 99,9% đồng bào sử dụng điện lưới quốc gia; 100% học sinh DTTS đến trường; các bản phủ sóng phát thanh, truyền hình, di động… đáp ứng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần”, Chủ tịch Phạm Văn Quang phấn khởi.

Xuân ca giữa thung lũng Rào Trù

Xã Trường Xuân có hai dân tộc Kinh và Bru-Vân Kiều sinh sống tại 9 thôn, bản; dân số 896 hộ, 2.965 khẩu. ĐBDTTS định cư tại 4 bản, gồm: Lâm Ninh, Khe Dây, Khe Ngang và Hang Chuồn-Nà Lâm, dân số 252 hộ, 856 khẩu.

Hôm tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Võ Thành Đồng sang bản Lâm Ninh, Trưởng bản Hồ Hơn và Bí thư Chi bộ bản Hồ Ngãi vui cái bụng lắm. Họ dẫn chúng tôi thăm một vòng quanh bản, khoe: Lâm Ninh có nhiều cái nhất, gồm: Nhà văn hóa, trường mầm non khang trang nhất; đường vào bản đẹp nhất; hệ thống hồ thủy lợi, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất lúa nước quy mô nhất…

Hồ Ngãi cho biết: “Năm 2024, UBND xã tiếp tục giúp bản sửa chữa kênh mương nội đồng, số vốn gần 800 triệu đồng và nâng cấp đập thủy lợi Phú Bài hơn 980 triệu đồng… Nhưng nhắc đến Lâm Ninh là phải nhắc đến mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, huy động 56 hộ dân toàn bản tham gia. Thực hiện mô hình này, người nghèo noi gương, học tập theo người giàu, người có điều kiện giúp đỡ cho người nghèo cùng chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đời sống bà con đổi thay khác với trước rất nhiều”.


Đội Văn Nghệ Bản Khe Ngang Biểu Diễn Tại
Đội văn nghệ bản Khe Ngang biểu diễn tại “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2024.

Từ trên dốc Ma Nang, thung lũng Rào Trù hiện ra xanh ngát. Những ngày cuối năm, tranh thủ thời tiết nắng ráo, đồng bào Bru-Vân Kiều các bản: Khe Dây, Khe Ngang tiến hành làm đất chuẩn bị xuống đồng vụ đông-xuân. Vụ mùa này, bản Khe Ngang thêm một niềm vui mới khi 1ha lúa nước được đưa vào canh tác, nâng diện tích lúa nước cả bản lên thành 19ha. Trưởng bản Khe Ngang Hồ Văn Sữa bảo: “Còn một niềm vui lớn khác là 122 hộ đồng bào nhận bảo vệ trên 10.000ha rừng. Tết này, trung bình mỗi hộ sẽ có khoảng từ 10-15 triệu đồng từ nguồn bảo vệ rừng để ăn Tết…”.


Tạm biệt bản Khe Ngang… xa thung lũng Rào Trù rồi mà làn điệu dân ca vẫn muốn níu chặt bước chân người: “Các vị thần hãy về với người Bru-Vân Kiều, chứng giám một mùa gieo hạt mới. Hạt lúa gieo xuống đất rồi, cầu cho con thú dữ đừng phá rẫy, để hạt lúa nảy mầm. Cầu cho một mùa rẫy bội thu. Người con Vân Kiều hãy lắng nghe lời Sinớt ngân xa kể về cây lúa, cho bản làng ta lúa vàng đầy sân nhà. Người Vân Kiều đã có cái ăn, cái mặc, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…”.

Trong không gian thanh bình của chiến khu Rào Trù năm xưa, tôi thoáng nghe tiếng đàn, tiếng hát vọng đến. Ngạc nhiên hỏi Phó Chủ tịch UBND xã Võ Thành Đồng, anh cười mà rằng: “Tết ni, các bản đồng bào Bru-Vân Kiều sẽ rộn ràng lời ca, tiếng hát, khi UBND xã thành lập được Câu lạc bộ văn nghệ dân gian của xã gồm 30 người. Còn mỗi bản duy trì một đội văn nghệ gồm 15 hạt nhân nòng cốt.

Khoảng 334 triệu đồng UBND xã dành riêng cho việc bảo tồn, phát huy giá các trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch. Mỗi đội văn nghệ bản được đầu tư mua sắm đầy đủ trang phục truyền thống và nhạc cụ biểu diễn, như: Chiêng, trống, thanh la, đàn tín-tùng, đàn pờ-lữa, đàn khui, sáo sui, sáo pi, kèn aman… Tiếng đàn, tiếng hát là đồng bào đang tập luyện đó”.

Bí thư Chi bộ bản Khe Ngang Hồ Nam kéo tay tôi vào nhà văn hóa bản, tham gia bằng được buổi tập luyện văn nghệ… Từng làn điệu dân ca chảy tràn… Điệu Xa-nớt thiết tha, gần gũi. Xong một điệu Xa-nớt, Hồ Nam dịch sang tiếng Kinh cho tôi hiểu: “Cây khui, cây lồ ô nằm giữa núi rừng, mưa gió/Hôm nay may mắn chọn cây về làm đàn khui/Và nó được nâng niu vuốt ve…”… Và nữa, lời Xa-nớt kể chuyện: “Xưa kia bản làng ta cực khổ, ăn uống không đủ no. Được Đảng, Nhà nước chăm lo, chúng ta đoàn kết xây dựng, sản xuất. Bây giờ mỗi người đã có cơm ăn, con cái học hành, bản làng ngày càng phát triển…”. 

Ngô Thanh Long

https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202501/nghe-tieng-xuan-ve-cham-ban-2223415/