Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDanh NhânNguyễn Hàm Ninh-Một cuộc đời đa truân

Nguyễn Hàm Ninh-Một cuộc đời đa truân

(QBĐT) – Từ ngã tư Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) đi dọc Quốc lộ 12A rẽ lên phía Tây đến đầu xã Liên Trường, nhìn lên hướng Tuyên Hóa sẽ thấy hòn Lèn Bảng sừng sững uy nghiêm. Lèn Bảng (còn có tên gọi là Bảng Sơn), biểu tượng tâm linh bao đời của vùng đất trung lưu sông Gianh, trong dân gian vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện hấp dẫn, trong đó có giai thoại về nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh.

Sách “Đời tài hoa” có chép rằng: Cụ (Nguyễn Hàm Ninh) là một bậc thần đồng, khi cụ chưa sinh, những lúc canh khuya đêm vắng trên hòn Lèn Bảng người ta thấy một ngọn đèn leo lét thắp dưới một gốc cây, xa nghe văng vẳng có tiếng đọc sách. Khi cụ ra đời, tiếng đọc sách cũng như ngọn đèn kia không còn nghe thấy đâu nữa, họa chăng ở nhà cụ… Nhưng kịp lúc cụ qua đời trở về cõi suối làng mây, trên hòn Lèn Bảng tự nhiên ngọn đèn kia lại thấy, tiếng đọc sách lại nghe… nên có kẻ ước đoán rằng người tiên trên hòn Lèn Bảng thác sinh xuống cõi trần là cụ Nguyễn Hàm Ninh đó vậy! Phải chăng từ giai thoại ấy và từ cảm hứng của một thi nhân đời sau, nhà thơ Xuân Hoàng trong bài thơ “Năm con sông quê hương” đã viết:

“Vùng Thanh Thủy vẫn nguyên hòn Lèn Bảng

Nguyễn Hàm Ninh dẫn bạn đến bình văn…”

(Tiếc rằng hòn Lèn Bảng nay gần như không còn. Ai đã từng chứng kiến Lèn Bảng ngày xưa và nhìn thấy Lèn Bảng hôm nay mà không khỏi ngậm ngùi. Nhắc đến đây lại nhớ câu ca thổn thức lòng người trong khúc nhạc “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn: “Làm sao em biết bia đá không đau/… Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”…).


Khu Mộ Danh Nhân Văn Hóa Nguyễn Hàm Ninh.
Khu mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Hàm Ninh.

Danh nhân Nguyễn Hàm Ninh sinh ngày 11/2/1808 (tức ngày 15/1 năm Mậu Thìn) và mất ngày 9/1/1867 (tức ngày 15/12 năm Đinh Mão). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng rất hiếu học ở làng Phù Kinh (nay thuộc xã Phù Hóa, Quảng Trạch), là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Đăng Khoa-người đã từng đỗ tú tài ở trường Hà Nội sau di cư vào Phù Kinh. Gia đình ông có 7 anh chị em gồm 5 trai, 2 gái. Trong đó có 3 người đỗ đạt nổi tiếng gồm Nguyễn Hàm Ninh đậu thủ khoa thi Hương (giải Nguyên). Năm 1831, em là Nguyễn Hàm Nghi đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (năm 1841) và em Nguyễn Hàm Trạch đỗ tú tài (năm 1846). Vì hoàn cảnh gia đình cha mẹ nghèo nên năm lên 15 tuổi, Nguyễn Hàm Ninh được bà cô ruột ở làng Trung Thuần (nay thuộc xã Quảng Lưu, Quảng Trạch) đem về nuôi cho ăn học.

Nhờ trí thông minh nên chỉ sáu năm đèn sách, ông đã đỗ tú tài năm 1829 và hai năm sau (năm 1831) mới 23 tuổi ông đã đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở Thừa Thiên (giải Nguyên). Từ đó, ông bước vào quan lộ với muôn vàn thăng trầm buồn-vui, biến cố. Ngay sau thi đỗ, ông được bổ làm quan dưới ba triều vua Minh Mạng-Thiệu Trị-Tự Đức và lần lượt trải qua các chức tước, gồm: Tri huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm Quý Tỵ 1833 lúc ông mới 25 tuổi, sau đó xin nghỉ chức về quê cư tang cha. Năm Bính Thân 1836 giữ chức Quốc học độc thư, làm thầy dạy cho thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị sau này).

Năm 1838 đang làm Chủ sự phủ Tôn Nhơn thì phạm lỗi bị Minh Mạng bãi chức cho về quê. Năm Tân Sửu 1841 ông giữ chức Hành tẩu nội các rồi Ngoại lang bộ Hình. Năm Bính Ngọ 1846 làm Lang trung bộ Lễ. Năm 1847, đang làm Án sát tỉnh Khánh Hòa thì bị thuyền buôn của Tây bắt sau đó bị nhà vua cách chức đày vào Đà Nẵng sung quân. Một thời gian sau ông được phục chức làm Trước tác Viện Hàn lâm. Đời làm quan của ông không dài nhưng đã có tới 4 bận bị từ chức, cách chức. Sau này khi về già, nhìn lại quãng đường làm quan của mình, Nguyễn Hàm Ninh tự bạch:

“Làm quan hai chục năm trời ấy

Được cái nghèo xơ buổi trở về…”

Con đường làm quan của Nguyễn Hàm Ninh là vậy nhưng con đường thơ văn mới chính là nơi thể hiện rõ tài danh của ông lưu với sử sách muôn đời.

Nhắc đến các bậc danh nhân triều Nguyễn, không ai không nhớ câu truyền tụng: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” (Nghĩa là: Văn được như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì trước đời Hán cũng không tìm thấy ai; thơ đạt được bằng Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì đời Thịnh Đường cũng không có). Ấy thế mà cả Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương đều rất quý trọng tài năng thơ Nguyễn Hàm Ninh.

Nguyễn Hàm Ninh sáng tác rất nhiều thơ, văn bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Về chữ Hán nổi bật có Tĩnh trai thi tập (hay Nhân Sơn thi sao), Dược sư ngẫu đề, Danh biên tập lục, Tĩnh Trai thi sao, Tĩnh Trai tiểu thảo trích sao. Về chữ Nôm có tác phẩm Nhớ ơn Vua, Tức Cảnh ở chợ trời Sơn Tây, Phản thúc ước… và nhiều sáng tác khác. Đáng tiếc lịch sử có nhiều biến động, chiến tranh, thiên tai và nhiều tác động khác nên đến nay nhiều tác phẩm của Nguyễn Hàm Ninh đã mất hoặc thất lạc.

Tuy nhiên, với những tác phẩm còn lưu giữ được và qua các giai thoại, chuyện kể cũng như sáng tác của các bạn thơ, văn cùng thời và các công trình nghiên cứu sau này về Nguyễn Hàm Ninh, chúng ta thấy sự nghiệp sáng tác của ông khá phong phú. Đặc biệt tài năng sáng tác của Nguyễn Hàm Ninh qua nhiều tác phẩm đã đạt đến độ tuyệt tác. Nhận xét nhiều bài thơ trong tập Tĩnh Trai thi tập của cụ, Tùng Thiện Vương phê: “Thạnh Đường duy trứ bách đọc bất yếu” (Một bài thơ hay đời Thạnh Đường sót lại, đọc trăm lần không chán). Còn Cao Bá Quát thì phê: “Phi thiện học Thiếu Lăng yên đắc linh diệu nại dư” (Nếu không phải đã học được tài thơ của Đỗ Phủ thì làm sao mà linh diệu được đến thế).

Nguyễn Hàm Ninh là người luôn trăn trở vì vận nước, luôn day dứt vì cuộc sống của dân nhưng giữa thời buổi bấy giờ ông không thể thực hiện được ước muốn của mình. Tất cả sự căm giận ấy đôi khi nhà thơ buột ra ở lời nói, ở những câu đối châm chĩa hết sức thông minh, sâu sắc. Nhưng cũng chính vì sự “ngang tàng” ấy mà lũ nịnh thần ngu dốt đã ghen ghét xúi giục nhà vua nhiều lần cách chức ông. Tuy vậy, Nguyễn Hàm Ninh không coi đó là sự thất bại, trái lại nó càng nung nấu thêm ý chí và bản lĩnh của ông. Đọc bài thơ sau đây của Nguyễn Hàm Ninh chúng ta có dịp hiểu thêm phần nào bản lĩnh, nhân cách của một nhà thơ yêu nước thương dân.

 “Đồi bên kia suối suối bên đồi

Phú quý nên xưa có một chồi

 Mây sớm dậy trời bay cửa trước

Chim hôm về tổ ruỗi thành ngoài

Quả vườn cá ruộng nhờ lộc đất

Cơm tượng canh lê trẻ dáng người

Lui được ngày nào ngày ấy khỏe

Cười ai ai hỡi chớ cười ai?

Bài thơ như một lời thách đố. Khác với nhiều nho sĩ đương thời, Nguyễn Hàm Ninh không bao giờ trốn chạy thực tại, dẫu thực tại đó nhiều khi hết sức cay đắng. Chứng cớ là sau bao lần bị cách chức đẩy về quê hương nhưng khi được phục chức trở lại làm việc ông đều sẵn sàng. Sống giữa thời buổi tao loạn, việc Nguyễn Hàm Ninh tìm đến con đường mai danh ẩn tích cũng chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Hàm Ninh bao giờ cũng giữ sạch phẩm chất đạo đức, nhân cách của mình. Ông sống không biết luồn cúi, nịnh bợ bất cứ ai, ngay cả với vua Tự Đức. Nỗi buồn của Nguyễn Hàm Ninh trong những ngày làm quan ở kinh đô Huế là nỗi buồn làm tôi mà không can gì được vua, làm quan mà không ích gì được cho dân. Song đặt vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, với những gì Nguyễn Hàm Ninh giữ được, làm được đã là một điều đáng quý, đáng trân trọng.

Cũng cần nói thêm rằng, có nhiều ý kiến nhận xét sinh thời Nguyễn Hàm Ninh là người vui tính, ham đùa nghịch, đa tình, phóng túng. Song tìm hiểu kỹ cuộc đời, nhất là tác phẩm của ông thì ngoài cái vẻ hay vui đùa và tinh nghịch ấy là cả một thế giới tâm hồn luôn day dứt, trăn trở trước thế sự nhân tình, một hình thức giải tỏa những gì u uẩn, bất lực trong con người nhà thơ. Có lẽ tâm sự ấy, nỗi niềm ấy khi ra đi nhà thơ cũng đã mang theo xuống tận tuyền đài.

157 mùa thu đi xa, phần mộ Nguyễn Hàm Ninh giờ còn đó. Ra đi từ quê hương, sau bao năm lận đận, trăn trở vì thế sự ông lại trở về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Thật là một cuộc đời trọn nghĩa hiếu trung. Chúng ta mãi tự hào về ông, một ông quan chính trực, thanh liêm, một con người đầy lòng yêu nước thương dân, một nhà thơ lớn có đóng góp tích cực cho văn học nước nhà nửa đầu thế kỷ XIX.

Hoàng Minh

https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/nguyen-ham-ninh-mot-cuoc-doi-da-truan-2222148/