(QBĐT) – Trong năm 2024, rất nhiều cộng đồng dân cư sinh sống trong lâm phần do Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên (BQL KDTTN) Động Châu-khe Nước Trong quản lý rất phấn khởi khi nhận được khoản kinh phí khá cao từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 của Chính phủ. Nhờ được hưởng lợi từ ERPA, các cộng đồng nơi đây đã có thêm cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp thêm động lực để cùng chung tay với lực lượng chức năng tham gia tuần tra, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng ngày càng hiệu quả…
Những ngày cuối tháng 11/2024, chúng tôi theo chân các cán bộ Trạm bảo vệ rừng số 3 (cầu Khỉ) và một số thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng bản Rum Ho, xã Kim Thủy đi tuần tra rừng ở lâm phần được BQL KDTTN Động Châu-khe Nước Trong phân công quản lý. Chuyến tuần tra này chính là một trong nhiều đợt tuần tra, được trạm thường xuyên phối hợp duy trì và xem đây chính là “xương sống” để làm thước đo về mức độ hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên phân công…
Anh Vương Công Thuyết, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 3 khái quát sơ lược với chúng tôi, khu vực này hiện có hơn 10 nghìn ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng rất cao, lên tới trên 98% và có rất nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, nằm trong Sách Đỏ cần được ưu tiên bảo vệ. Trong khu vực còn có các bản Rum Ho, Mít Cát, Trung Đoàn (xã Kim Thủy, Lệ Thủy) với hầu hết là đồng bào Bru-Vân Kiều, sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng nên nguy cơ tác động đến nguồn tài nguyên rừng khá cao.
Xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho khu vực này, BQL KDTTN Động Châu-khe Nước Trong đã bố trí cho trạm 16 cán bộ, nhân viên, tham gia làm nhiệm vụ tại điểm trạm chính và túc trực ở các chốt (bình quân mỗi chốt có từ 2-3 người): Khe Bùn, Máy Bay, khe Nước Trong, Bãi Đạn, Khe Đan, Mít Cát, ngã ba Vít Thù Lù.
Trước đây, nhất là kể từ khi Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, nguồn kinh phí bố trí khoán hỗ trợ bảo vệ rừng cho đồng bào hàng năm rất ít ỏi, thậm chí có năm không có, điều này đã dẫn đến nguy cơ “chảy máu” nguồn tài nguyên rừng trong khu vực vẫn luôn ở mức cao. Tình trạng người dân bản địa thiếu hợp tác, tiếp tay cho lâm tặc tham gia phá hoại tài nguyên rừng trong lâm phần vẫn chưa được ngăn chặn triệt để…
Kể từ khi nhận được tiền chi trả từ ERPA, đồng bào sống xung quanh khu vực này rất tích cực hợp tác, phối hợp cùng cán bộ Trạm bảo vệ rừng số 3 tham gia nhiều chuyến tuần tra, kiểm soát để bảo vệ rừng một cách hiệu quả, thường xuyên hơn…
Hồ Văn Vàng, Bí thư Chi bộ bản Rum Ho phấn khởi: “Bản hiện có 120 hộ, 372 nhân khẩu. Nhờ được cơ quan chức năng quan tâm bố trí giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng 1.840ha, kể từ đầu năm 2024 đến nay, người dân trong bản đã được nhận tiền chi trả từ ERPA 3 đợt, với mỗi đợt là 3,6 triệu đồng/đợt/hộ. Ngoài khoản tiền nói trên, bản Rum Ho còn được hỗ trợ thêm 1 mô hình sinh kế với 3 con bò giống sinh sản để giúp đỡ cho 3 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại bản. Nhờ có khoản tiền này, đã góp phần rất tích cực để các hộ dân trong bản dùng vào trang trải bữa ăn, sinh hoạt, nuôi con ăn học, mua thêm cây, con giống nhằm tăng gia sản xuất… Giờ đây, mỗi một người dân trong bản Rum Ho đều nhận thức được rằng, tích cực chung tay giữ rừng thật tốt chính là giữ lấy sự ấm no cho bản làng, không những cho đời nay mà cả những đời con cháu sau này…”.
“Việc chi trả nguồn tiền từ ERPA được chúng tôi thực hiện đúng đối tượng, đúng nội dung, tuân theo nguyên tắc quản lý tài chính, định mức chi và thuế quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP; bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”, Giám đốc BQL KDTTN Động Châu-khe Nước Trong khẳng định. |
Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc BQL KDTTN Động Châu-khe Nước Trong cho biết: Đơn vị hiện được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, lưu trữ và phát triển các nguồn gen động thực vật quý hiếm với tổng diện tích đất rừng hơn 34,2 nghìn ha, trong đó: Diện tích thuộc quy hoạch khu dự trữ thiên nhiên gần 22,3 nghìn ha; diện tích nằm ngoài quy hoạch trên 11,9 nghìn ha (hiện đang tạm giao quản lý, bảo vệ). Tổng diện tích rừng được chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính là 28.978,60ha.
Từ số tiền hơn 10,7 tỷ đồng (gồm, kinh phí năm 2023 chuyển sang năm 2024 gần 5 tỷ đồng, kinh phí của năm 2024 hơn 5,7 tỷ đồng) tiếp nhận tiền từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình để thực hiện ERPA, trong năm 2024, đơn vị đã sử dụng vào các mục đích thiết yếu, như: Khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư các bản Rum Ho, Mít Cát, Trung Đoàn, An Bai, Hà Lẹc (xã Kim Thủy), bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy); tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017; nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho cán bộ chủ chốt ở cộng đồng thôn, xã, lực lượng an ninh, dân quân cơ động; nâng cao nhận thức, hiểu biết về công tác bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân vùng đệm và thực hiện có hiệu quả công tác cứu hộ động vật hoang dã; nâng cao các giá trị đa dạng sinh học trong khu dự trữ thiên nhiên…
Văn Minh
https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/niem-vui-tu-dong-chau-khe-nuoc-trong-2222706/