Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay, vụ đông xuân năm nay, tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên 29.300ha. Các giống lúa thuần cơ cấu chính như VNR20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6, QC03, VN20… “Hiện bà con đang vượt thời tiết để gieo sạ những trà lúa sớm cho kịp lịch nông vụ”, ông Hiệp nói.
Vào vụ trong mưa lạnh
Theo ngành NN-PTNT, lịch thời vụ gieo sạ ở những trà sớm bắt đầu từ 25/12 và những trà muộn chậm nhất đến ngày 25/1/2025.
Do ảnh hưởng không khí lạnh nên tại Quảng Bình mưa lạnh kéo dài từ giữa tháng 12 đến nay, ảnh hưởng lớn đến việc gieo trồng của bà con nông dân.
Trong mưa lạnh, nông dân các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) vẫn tranh thủ làm đất, gieo sạ, bón phân… để đảm bảo đúng lịch thời vụ.
Trên cánh đồng ngoài của xã Hàm Ninh, bà con nông dân ra đồng từ sáng sớm trong cái lạnh tê tái và màn mưa bao phủ. Cánh đồng rộng đến cả trăm ha, thấp thoáng bóng người trong tiếng máy bừa ruộng rộn lên từng chặp.
Trên đám ruộng vừa gieo xong, bà Nguyễn Thị Thảo (xã Hàm Ninh) vừa lội trong bùn vừa thụt lùi dùng cuốc vét một lạch nhỏ sát bờ ruộng. Bà bảo: “Phải làm thế này cho nước mưa lạnh trên ruộng rút xuống đây mà thoát ra mương. Ruộng đảm bảo khô để thóc mầm không bị lạnh, thối rễ mà lên nhanh”.
Ở đám ruộng bên cạnh, sau khi gieo sạ xong, ông Trần Văn Đô lúi húi đổ phân bón tổng hợp vào bình bơm rồi giật nổ máy đeo lên lưng lội ào ào dưới ruộng phun bón thêm phân nhằm giữ ấm cho mầm.
Ông Đô cũng cho hay, mấy năm gần đây một số bà con đã đẩy lịch gieo sạ lên sớm hơn khoảng 10 – 15 ngày để thu hoạch sớm. “Sau thu hoạch lúa vụ đông xuân, bà con làm thêm vụ dưa hấu xuân hè là rất đẹp. Có năm được mùa dưa, được giá, thu nhập cũng trên cả trăm triệu đồng mỗi ha nên bà con phấn khởi lắm. Ra đồng thấy lúa gieo xong hết là biết vụ dưa xuân hè tới sẽ tăng diện tích”, ông Đô nói thêm.
Nhiều doanh nghiệp bắt tay nông dân
Để đưa nhanh các giống lúa mới chất lượng, năng suất, ngoài các giống cơ cấu chính, Sở NN-PTNT Quảng Bình còn đưa các giống triển vọng như HG12, Hương Bình, ADI28, SV181, TBR97, Bắc Thịnh, Hưng Long 555, ĐB6, HĐ9, BT0… vào làm mô hình tại các địa phương.
Theo ông Trần Đình Hiệp, Sở đã chỉ đạo mỗi địa phương nên cơ cấu từ 2 – 3 giống lúa chủ lực. Trên một xứ đồng chỉ nên bố trí sản xuất từ 1 – 2 giống lúa để thuận tiện cho việc làm đất, gieo cấy, chăm sóc, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.
“Các địa phương chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về giống cây trồng, không đưa vào sản xuất các giống chưa được thử nghiệm trên địa bàn tỉnh”, ông Hiệp nói thêm.
Trong vụ đông xuân này, nhiều doanh nghiệp tại địa phương liên kết với nông dân để sản xuất lúa và bao tiêu sản phẩm. Công ty Giống cây trồng Quảng Bình đã triển khai liên kết hơn 1.000ha tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch…
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cho hay: “Chúng tôi cung ứng cho bà con các giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ và quy trình thâm canh mới. Hiệu quả thu nhập trên cánh đồng của nông dân tăng từ 20 – 30% so với sản xuất truyền thống”.
Tại huyện Quảng Ninh, nhiều doanh nghiệp là con em địa phương đã mở rộng việc liên kết sản xuất lúa chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Xây dựng Thành Đạt (có trụ sở tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) đã triển khai nhiều mô hình liên kết với nông dân các xã An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Hàm Ninh… với tổng diện tích gần 300ha.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty cho hay, doanh nghiệp đã hỗ trợ bà con trong cung ứng giống, các dịch vụ nông nghiệp và thu mua sản phẩm tại ruộng. Qua đó, thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh lúa theo hướng hữu cơ.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở thêm sản xuất gạo sạch chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng. Qua đó, sẽ mở rộng và tăng diện tích liên kết sản xuất lúa, tạo điều kiện tăng thu nhập cho bà con nông dân”, bà Thanh nói thêm.
https://nongnghiep.vn/nong-dan-quang-binh-gieo-sa-lua-dong-xuan-som-trong-mua-lanh-d415769.html