Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeĐặc sảnPhát triển cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu

Phát triển cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhiều mô hình trồng cây ăn quả Đặc sản

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các giống cây ăn quả chủ yếu ở khu vực Bắc Trung Bộ là cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh). Trong số đó, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ diện tích cây có múi khoảng 27.900 ha, chiếm 11,5% diện tích cây ăn quả có múi cả nước. Tuy diện tích cây có múi không lớn nhưng lại là cây đặc sản của vùng, mang lại giá trị kinh tế cao, mang tính sản xuất hàng hóa lớn. Nhiều sản phẩm nổi tiếng như: Bưởi Phúc Trạch, cam Bù (Hà Tĩnh), cam Vinh (Nghệ An), bưởi Thanh Trà (Huế), bưởi đỏ Luận Văn (Thanh Hóa)… Còn theo Hội làm vườn Việt Nam, chỉ riêng diện tích bưởi ở khu vực Bắc Trung Bộ là 11.600 ha, chiếm 10,3% diện tích bưởi cả nước, sản lượng 122.600 tấn. Cây cam là 11.600 ha, chiếm 13,5% diện tích cam cả nước, sản lượng 126.000 tấn. Ngoài ra, khu vực này có diện tích trồng chuối cũng khá lớn với khoảng 17.800 ha chiếm 11,1% diện tích chuối cả nước, sản lượng đạt 268.000 tấn.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi bền vững, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây có múi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh… Nhờ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cây ăn quả có múi của vùng.

Hiện tại nhiều nông dân ở các tỉnh đã ứng dụng mô hình trồng cây ăn quả có múi theo hướng VietGAP như vùng trồng cam Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn (Nghệ An), bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh), bưởi Tuyên Hóa (Quảng Bình), trồng thâm canh cây bưởi, thanh trà theo hướng hữu cơ ở Hương Trà (Thừa Thiên Huế)… Qua đó, người trồng đã hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học; áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây có múi, dùng bẫy bả, hạn chế sử dụng thưốc bảo vệ thực vật, thụ phấn cho hoa bằng phương pháp thủ công.

Anh Trương Quốc Việt ở thôn Kim Lũ 2, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) hiện có “rừng” cây ăn quả, với diện tích gần 14 ha, trong đó có khoảng 4.500 gốc cam, 2.000 gốc bưởi Phúc Trạch và 1.000 gốc chanh. Từ năm 2021 đến nay, “rừng” cây ăn quả có múi của anh Trương Quốc Việt cho thu nhập bình quân hơn 1,2 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của nhà vườn này đã đăng ký nhãn hiệu, được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR cho các loại quả.

Anh Việt cho biết, với diện tích sản xuất lớn, việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu tác động điều kiện tự nhiên mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Để chủ động nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn ở “chảo lửa” Tuyên Hóa, anh Việt đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng gốc cây và được điều khiển hoạt động từ xa. Với diện tích 14 ha cây ăn quả nhưng anh chỉ cần 2 lao động là có thể bảo đảm việc cung cấp đủ nước tưới cho cây vào mùa nắng nóng kéo dài.

Ba năm gần đây, Nghệ An là tỉnh có định hướng và mục tiêu phát triển diện tích cây ăn quả lớn nhất và cách làm rất cụ thể. Tỉnh xác định đến năm 2030 đạt mục tiêu đạt 50.000 ha cây ăn quả, giá trị sản xuất từ 8.500-9.000 tỷ đồng; hình thành và phát triển sản phẩm hàng hóa từ trái cây để xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 80-100 triệu USD.

Giảm rủi ro do biến đổi khí hậu cho vùng cây ăn quả

Tại diễn đàn “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức, nhiều đại biểu đã nêu lên những băn khoăn, khó khăn trong phát triển cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng ở vùng Bắc Trung Bộ.

Đại diện Trung ương Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, hằng năm, khu vực Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng của gió tây, nắng nóng gay gắt nhất là nửa đầu năm, cuối năm thì mưa nhiều, lại thường xuyên xảy ra bão, lũ ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư. Vì thế, trước hết phải xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn quả tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng giảm thiểu rủi ro khi có thiên tai. Các địa phương quản lý chặt chẽ quy mô vùng trồng, địa bàn phát triển cây ăn quả sau khi đã được xác định; xây dựng mã số vùng trồng cho vùng cây ăn quả. Điều quan trọng nữa là lựa chọn giống và tiêu chuẩn giống có tính thích ứng theo vùng.

Ngành nông nghiệp các địa phương lựa chọn giống cây ăn quả năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh hại và tiêu chuẩn giống có tính thích ứng, theo hướng giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai. Thông qua bình tuyển cây đầu dòng, vườn đầu dòng cây ăn quả đã thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng, từ đó chuyển giao cho các địa phương. Từng tỉnh bố trí thời vụ trồng, kỹ thuật trồng cây ăn quả phù hợp cho các tiểu vùng sinh thái theo hướng giảm thiểu rủi ro thiên tai; hoàn thiện kỹ thuật trồng cây trồng xen và quản lý độ ẩm cho cây ăn quả, kết hợp kỹ thuật sử dụng, bón phân hợp lý. Trong điều kiện bão lũ thường xảy ra, hướng dẫn nhà vườn thường xuyên chú ý sản xuất nông lâm kết hợp có đai rừng chắn gió, kỹ thuật cắt tỉa và quản lý tán cây ăn quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương Bắc Trung Bộ phát triển cây ăn quả, cây có múi phải phù hợp với diện tích quy hoạch của từng tỉnh, từng vùng đặc sản để tránh sự phát triển nóng, ồ ạt. Các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn nông dân lựa chọn kỹ trước khi trồng, sử dụng giống cây vào sản xuất.



https://nhandan.vn/phat-trien-cay-an-qua-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-post849923.html