22.4 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeQuảng BìnhPhối hợp hiệu quả trong thực hiện hòa giải ở cơ sở

Phối hợp hiệu quả trong thực hiện hòa giải ở cơ sở

(QBĐT) – Theo số liệu từ Ủy ban MTTQVN tỉnh: Qua hơn 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy các tổ hòa giải (THG), hòa giải viên (HGV) cơ sở tiếp nhận, xử lý 16.642 vụ việc và đã hòa giải thành 14.450 vụ việc. Đạt được những kết quả trên không thể không nhắc đến sự phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận các cấp và ngành Tư pháp.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lê Thị Mỹ Hiền, công tác hòa giải ở cơ sở là một chỉnh thể thống nhất, trong đó cán bộ Mặt trận cơ sở trở thành nguồn nhân lực chính duy trì hoạt động, còn ngành Tư pháp có chức năng trang bị, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kỹ năng, phương pháp tổ chức hòa giải. Dẫn chứng rõ nét, trong tổng số 1.234 THG và 8.154 HGV ở cơ sở có đến 1.704 HGV là cán bộ Mặt trận và 5.792 HGV là cán bộ của tổ chức thành viên Mặt trận.

Hiện nay, các THG ở cơ sở đã được bổ sung, kiện toàn với cơ cấu đầy đủ thành phần: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng ban công tác Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên THG còn có thêm đại diện người dân tộc thiểu số. Mỗi THG từ 5-7 HGV, trình độ học vấn từ THPT trở lên, trong đó nhiều HGV có trình độ chuyên môn luật.





Tăng Cường Khối Đại Đoàn Kết Tạo Hiệu Quả Trong Công Tác Phối Hợp Tuyên Truyền, Pbgdpl Tại Địa Bàn Miền Núi.
Tăng cường khối đại đoàn kết tạo hiệu quả trong công tác phối hợp tuyên truyền, PBGDPL tại địa bàn miền núi.

Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh hướng dẫn các tổ chức chính trị-xã hội, Mặt trận các cấp phối hợp với những cơ quan, đơn vị cùng cấp tổ chức trên 4.098 hội nghị quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho hơn 286.815 lượt cán bộ, hội viên. Ngoài những nội dung pháp luật chuyên ngành, các hội nghị tập trung PBGDPL về hòa giải ở cơ sở, như: Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQVN; Bộ luật Dân sự; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ môi trường…

Bà Lê Thị Mỹ Hiền cho biết: Trên cơ sở Luật MTTQVN; Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN và đặc điểm tình hình thực tiễn, Mặt trận các cấp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thông qua việc xây dựng, củng cố, kiện toàn các THG, phát triển đội ngũ HGV; lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở với thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động.

Về tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận các cấp với ngành Tư pháp thể hiện: Cùng Sở Tư pháp, phòng tư pháp huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho HGV. Định kỳ hàng năm, các tổ trưởng THG, HGV đều được cập nhật, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật. Phối hợp trong công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện hòa giải ở cơ sở, công tác PBGDPL, đồng thời kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cơ sở khắc phục khó khăn, vướng mắc về hòa giải ở cơ sở.




Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Quang Sáng nhấn mạnh: “Nhằm nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa ngành Tư pháp và MTTQVN về công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những nội dung trọng tâm của đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025” và “Nâng cao năng lực cho đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”.

Để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp thực hiện hòa giải ở cơ sở, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Quang Sáng cho biết: Ngành Tư pháp cần phát huy tốt vai trò chủ trì cùng Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các văn bản mới ban hành tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời nắm bắt, thấu hiểu, tuân thủ.

Sở Tư pháp hướng dẫn phòng tư pháp huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho đối tượng là cán bộ Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở và các HGV nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp ngày càng phức tạp nảy sinh trong cộng đồng dân cư. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội thành viên Mặt trận kiêm HGV trở thành những hạt nhân trong thực hiện hòa giải ở cơ sở cũng như tuyên truyền, PBGDPL đến người dân, hướng dẫn, giải thích về pháp luật cho người dân tại cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện, đơn thư vượt cấp.

Ủy ban MTTQVN tỉnh tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở vào các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua các cuộc vận động lồng ghép công tác PBGDPL cho nhân dân. Vận động mọi tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời mâu thuẫn ngay cơ sở, trong khu dân cư, hạn chế tình trạng kéo dài, hình thành “điểm nóng” phức tạp, gây mất đoàn kết góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hồ An

https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202410/phoi-hop-hieu-qua-trong-thuc-hien-hoa-giai-o-co-so-2221787/