Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeQuảng BìnhQuảng Bình khống chế được dịch tả lợn châu Phi

Quảng Bình khống chế được dịch tả lợn châu Phi

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện đã khống chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2024, DTLCP xuất hiện tại một số địa phương tại Quảng Bình gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 3/2024 và đã đã xảy ra tại 72 hộ/23 thôn/15 xã/5 huyện, thành phố, thị xã (gồm huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới).

Lực Lượng Thú Y Cơ Sở Thực Hiện Tiêu Hủy Đàn Lợn Bị Bệnh Dịch Tả Lợn Châu Phi. Ảnh: Tâm Đức.

Lực lượng thú y cơ sở thực hiện tiêu hủy đàn lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Tâm Đức.

“Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã thực hiện tiêu hủy theo đúng quy trình trên 600 con lợn với tổng trọng lượng gần 41.300kg”, ông Trần Công Tám cho hay.

Ngay sau khi phát hiện bệnh DTLCP, Sở NN-PTNT Quảng Bình đã phối hợp cùng các các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Các địa phương có ổ dịch đã chủ động thành lập các tổ phòng chống dịch địa phương để cùng người dân vệ sinh khu vực chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng đường liên thôn…

Để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đặc biệt tại các địa phương xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, trung ương, UBND tỉnh đã hỗ trợ 13.140 lít hóa chất (nguồn dự trữ quốc gia 10.000 lít, nguồn dự phòng và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp 3.140 lít). Ngoài ra, các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động bố trí kinh phí mua hóa chất sát trùng, vôi bột để triển khai thực hiện tại địa phương. Nhờ đó đã góp phần ngăn chặn, xử lý các ổ dịch kịp thời, hiệu quả.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngà (xã Quảng Hợp, Quảng Trạch, Quảng Bình) có đàn lợn trên 50 con. Khi phát hiện một con lợn bỏ ăn và có những triệu chứng lạ đã báo cho cán bộ thôn, xã biết để kiểm tra. Sau khi biết lợn bị mắc bệnh DTLCP, gia đình đã chủ động phối hợp với chính quyền, cán bộ thú y thực hiện tiêu hủy toàn bộ đàn lợn vì biết bệnh dễ lây lan, sau đó vệ sinh, khử trùng khu vực chuồng trại.

Người Dân Chủ Động Thực Hiện Phun Tiêu Độc Khử Trùng Tại Các Điểm Chăn Nuôi. Ảnh: Tâm Đức.

Người dân chủ động thực hiện phun tiêu độc khử trùng tại các điểm chăn nuôi. Ảnh: Tâm Đức.

“Gia đình thiệt hại lớn về kinh tế nhưng chống dịch thì phải triệt để. Nếu gia đình cứ dây dưa trong việc tiêu hủy đàn lợn sẽ không chỉ gây khó khăn cho việc chống dịch mà còn có nguy cơ lây lan sang đàn lợn hàng xóm, thiệt hại của bà con trong thôn càng lớn hơn”, bà Ngà bộc bạch.

Tính đến ngày 9/1/2025, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã khống chế các ổ dịch, 15/15 xã, phường có dịch bệnh DTLCP đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, mặc dù dịch bệnh DTLCP đã được khống chế nhưng người dân vẫn không thể lơ là, chủ quan. Các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.

Trong giai đoạn cận Tết Nguyên Đán, việc tiêu thụ, vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm từ lợn gia tăng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã tăng cường cán bộ về trực tiếp chỉ đạo các trạm thú y cơ sở nắm bắt tình hình, phát hiện sớm dịch bệnh để khẩn trương xử lý.

“Việc kiểm soát giết mổ tại các địa phương cũng được tăng cường và chặt chẽ hơn. Qua đó, sẽ hạn chế được dịch bệnh, nhất là ngăn chăn bệnh DTLCP”, ông Trần Công Tám nói thêm.

Về lâu dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình sẽ phối hợp cùng các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi, vệ sinh chuồng trại. Quản lý chặt việc nhập lợn vào địa bàn, nhất là lợn giống.

https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fquang-binh-khong-che-duoc-dich-ta-lon-chau-phi-d417792.html