(QBĐT) – Huyện Quảng Ninh chú trọng gắn sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao… Qua đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị ngành, hàng.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ cho biết, năm 2024, sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Ninh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.099 tỷ đồng, tăng 3,58% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 11.473ha, tăng 2,42% so với cùng kỳ, trong đó cây lúa đạt 9.236ha, tăng 2,7%, năng suất thu hoạch bình quân 58,61 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 54.583 tấn, tăng 8,12% (tương đương 4.099 tấn) so với cùng kỳ.
UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi 30,7ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, mướp đắng, dưa leo, ngô nếp… ở các xã Hàm Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh cho hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha, lãi từ 4-6 triệu đồng/sào; chuyển đổi 20ha cây trồng trên đất vùng gò đồi sang trồng cây ăn quả, cây sả nguyên liệu. Huyện cũng triển khai mô hình khảo nghiệm giống lúa mới, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết cấp tỉnh các dự án liên kết theo chuỗi giá trị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất, sản lượng cây trồng, như: Mô hình khảo nghiệm giống lúa mới QC03 và Hà Phát 3, khảo nghiệm và tổ chức hội thảo đầu bờ giống lúa TBR87, dự án chuỗi liên kết măng giang tại xã Trường Xuân, sản xuất và tiêu thụ kiệu Võ Ninh, mô hình liên kết chuỗi giá trị lúa với diện tích 273ha.
Việc liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp được quan tâm. Toàn huyện có 1.060ha lúa được các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trong chăn nuôi, UBND huyện đã chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y… nên đã khống chế được các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Huyện cũng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm. Một số trang trại, hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp mang lại hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Hiện, tổng đàn bò lai chiếm hơn 68%, đàn lợn có 100% máu ngoại chiếm hơn 50% tổng đàn; các loại giống gia cầm có chất lượng cao được nông dân sử dụng ngày càng nhiều như gà Lương Huệ, gà Minh Dư, gà CP, vịt Súp pơ… Nhìn chung đàn gia súc, gia cầm cơ bản được duy trì, ổn định; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 380 tỷ đồng, tăng 2,7%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 8.354 tấn, tăng 5,32% so cùng kỳ.
Thực hiện công tác trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng theo kế hoạch, năm 2024, toàn huyện trồng mới 836,14ha rừng tập trung, tăng 3,1%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 80.819m3, tăng 2,89% so cùng kỳ. Công tác quản lý rừng bền vững được chú trọng, toàn huyện hiện có 481,69ha rừng trồng của 64 hộ gia đình, cá nhân và trên 750ha rừng tự nhiên do 2 ban quản lý rừng cộng đồng quản lý được cấp chứng chỉ FSC.
Việc nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy hải sản cơ bản ổn định và có nhiều thuận lợi, với tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt 7.120 tấn, tăng 4,52% so cùng kỳ. Cùng với việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản 1.182ha, nhiều mô hình, đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi cua, cá chình, cá chẽm trên sông Kiến Giang, Nhật Lệ.
Xác định sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và trên cơ sở danh mục “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn lựa chọn các danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, các nguồn vốn hỗ trợ. Từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh đã tập trung vào các chuỗi giá trị hàng hóa theo từng sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương. Hiện, trên địa bàn huyện Quảng Ninh bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh ứng dụng công nghệ cao, đưa lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Theo ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh, năm 2024, huyện cũng đã tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, thực hiện chương trình OCOP, toàn huyện có 25 sản phẩm thế mạnh thuộc 4 nhóm có khả năng tham gia chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 18 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm thế mạnh khác đang được các doanh nghiệp, địa phương xây dựng phấn đấu đạt tiêu chuẩn.
Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế, nhất là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, năm 2025, huyện Quảng Ninh tập trung các giải pháp nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp sử dụng công nghệ cao; tăng diện tích chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác có hiệu quả, đầu tư thâm canh vùng sản xuất lúa tập trung có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích đầu tư ứng dụng giống mới, công nghệ cao trong sản xuất, đồng thời thực hiện tốt chính sách khuyến khích, đẩy mạnh chương trình phát triển kinh tế trang trại, gia trại… phấn đấu đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,5%; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.
Ng.Khang
https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202501/quang-ninh-san-xuat-nong-nghiep-gan-voi-chuoi-gia-tri-2223517/