(QBĐT) – Mảnh đất Tuyên Hóa tự hào đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho quê hương, đất nước; trong đó có Thiếu tướng Hoàng Sâm-người Đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ). Đặc biệt, cùng với đồng chí Võ Văn Luận, quê ở xã Đức Hóa, thì huyện Tuyên Hóa đã có 2 trong số 34 chiến sĩ tham gia Đội VNTTGPQ. Tên tuổi và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Sâm luôn gắn liền với những bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Sâm, tên thật là Trần Văn Kỳ (sinh năm 1915) trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa). Một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có truyền thống hiếu học. Làng Lệ Sơn không chỉ rạng danh với truyền thống khoa bảng “Đệ nhất bát danh hương”, mà nơi đây còn nổi tiếng với phong trào rào làng chiến đấu để bảo vệ cửa ngõ chiến khu Tuyên Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp…
Chính những yếu tố đó đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách, lòng yêu nước của cậu bé Trần Văn Kỳ để từ đó hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Cuộc đời thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Sâm đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Năm 1927, Trần Văn Kỳ cùng gia đình rời quê hương sang Thái Lan sinh sống. Năm 1928, khi mới 13 tuổi Trần Văn Kỳ được gặp Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Thầu Chín) khi Người đến hoạt động ở Thái Lan. Thấy cậu bé Trần Văn Kỳ thông minh, hoạt bát, ý thức giác ngộ cách mạng cao nên được Người chọn làm liên lạc viên. Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động trong Hội Việt kiều yêu nước tại Thái Lan.
Năm 1934, đồng chí bị mật thám Thái Lan bắt giam. Sau một năm giam giữ, đồng chí được thả và bị trục xuất khỏi Thái Lan, được tổ chức bí mật đưa sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động. Năm 1936, Trần Văn Kỳ đến Quảng Tây bắt liên lạc với một cơ sở cách mạng và được cử đi học tiếng Trung Quốc. Đầu năm 1937, Trần Văn Kỳ về nước và làm việc tại Tỉnh ủy Cao Bằng.
Năm 1938, ông tham gia đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại biên giới Việt-Trung. Năm 1940, Trần Văn Kỳ sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) để bắt liên lạc với cấp trên, tại đây, đồng chí được gặp lại Thầu Chín mới biết đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Bác đặt cho bí danh là Hoàng Sâm.
Đầu năm 1941, Hoàng Sâm được cấp trên giao nhiệm vụ cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… bảo vệ Bác Hồ từ Trung Quốc trở về Pác Bó (Cao Bằng). Cuối năm 1941, đội du kích Cao Bằng được thành lập, Hoàng Sâm được cử làm đội phó, sau đó làm đội trưởng. Trên cương vị là đội phó rồi đội trưởng, Hoàng Sâm nổi tiếng là một nhà hoạt động cách mạng kiên trung, kinh nghiệm, gan dạ, mưu trí, với biệt tài bắn súng, cưỡi ngựa, thu phục các toán thổ phỉ ở vùng Cao Bằng. Năm 1943, đội du kích Cao Bằng phân tán lực lượng đi làm nòng cốt ở các nơi, ông được giao nhiệm vụ tổ chức đội bảo vệ cho các tổ xung phong Nam Tiến.
Ngày 22/12/1944, Đội VNTTGPQ-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập và Hoàng Sâm được cử làm đội trưởng. Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy đánh thắng các trận Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hoàng Sâm được điều về Vĩnh Yên chỉ huy lực lượng trấn áp các phần tử phản động của Quốc dân Đảng, Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây Tiến, Khu trưởng Chiến khu II, Chiến khu III.Với những thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, năm 1948, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Hoàng Sâm vinh dự được phong cấp hàm Thiếu tướng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông là vị tướng xông pha trận mạc, được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin cậy giao phó nhiều trọng trách ở những mặt trận cam go ác liệt nhất. Ông là linh hồn của Mặt trận Trị-Thiên trong chống Mỹ. Tháng 12/1968, Hoàng Sâm anh dũng hy sinh tại chiến trường khi mới 53 tuổi.Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là những trang sử vẻ vang, ông trở thành một danh tướng vì nước, vì dân, làm rạng rỡ thêm quê hương Tuyên Hóa và Quảng Bình. Mỗi người dân Tuyên Hóa luôn tự hào và tưởng nhớ về ông, học tập tấm gương kiên trung một lòng một dạ vì Đảng, vì dân của ông.
Hơn 41 năm tham gia hoạt động cách mạng và gần 35 năm chiến đấu gian khổ, Thiếu tướng Hoàng Sâm được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1999, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên của ông được UBND TP. Hà Nội đặt cho một con đường ở quận Cầu Giấy.
Thiếu tướng Hoàng Sâm không chỉ là niềm tự hào của quê hương Tuyên Hóa mà còn là niềm tự hào của lực lượng vũ trang Quảng Bình, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những giá trị vật chất, tinh thần của Thiếu tướng Hoàng Sâm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương vẫn còn nguyên giá trị. Những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng kiên trung mà Thiếu tướng Hoàng Sâm để lại là những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng của lực lượng vũ trang địa phương.
Ngày nay, những tri thức quân sự, tài thao lược trong chỉ huy và sự khôn khéo trong cách dùng người, thu phục đối tượng của Thiếu tướng Hoàng Sâm là những bài học gắn liền với thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tiến hành công tác dân vận của các đơn vị bộ đội địa phương. Với những phẩm chất cao quý và cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng, Thiếu tướng Hoàng Sâm trở thành danh nhân tiêu biểu của lịch sử Việt Nam hiện đại.
Tự hào là quê hương của vị tướng anh hùng, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tuyên Hóa và xã Văn Hóa luôn quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị to lớn đó. Huyện đã cùng xã Văn Hóa tổ chức sưu tầm các tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Sâm. Khu đất xây dựng khuôn viên Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Sâm được quy hoạch với diện tích 2.000m2 tại trung tâm xã Văn Hóa. Tên Thiếu tướng được huyện chọn đặt tên đường tại trung tâm thị trấn Đồng Lê.
Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện sự tri ân công lao đóng góp to lớn của Thiếu tướng Hoàng Sâm đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; là niềm tự hào của người dân Tuyên Hóa khi nơi đây trở thành một “địa chỉ đỏ” cách mạng. Đồng thời, để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ học sinh, các trường học trên địa bàn đã chú trọng việc dạy học lịch sử địa phương; tổ chức các buổi ngoại khóa nói chuyện về thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Sâm cũng như các vị anh hùng dân tộc và tổ chức thăm viếng các di tích lịch sử trên địa bàn. Qua đó, khơi dậy trong các em niềm tự hào và lòng thành kính, biết ơn về vai trò, công lao của các anh hùng để ra sức học tập, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024); 150 năm thành lập và phát triển huyện Tuyên Hóa (1875-2025); 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025); 110 năm Ngày sinh của Thiếu tướng Hoàng Sâm (1915-2025), cán bộ, đảng viên và nhân dân Tuyên Hóa sẽ không ngừng học tập tấm gương của đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm, phát huy cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt các công việc được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Học tập và noi gương Thiếu tướng, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025; chuẩn bị và triển khai tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nhiệm kỳ 2025-2030, góp phần xây dựng huyện nhà ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, vững tin trên con đường đổi mới và phát triển.
Mai Văn Minh
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa
https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202411/que-huong-tuyen-hoa-tu-hao-ve-thieu-tuong-hoang-sam-2222657/