Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tứcTăng cường công tác phòng cháy,chữa cháy tại các chợ trong dịp...

Tăng cường công tác phòng cháy,chữa cháy tại các chợ trong dịp Tết


Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình có 141 chợ, trong đó có 02 chợ hạng 1, 05 chợ hạng 2, 105 chợ hạng 3 và 29 chợ tạm. Các chợ thường được xây dựng từ lâu qua nhiều giai đoạn khác nhau dẫn đến kiến trúc, kết cấu không phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC); trong chợ bố trí nhiều ki ốt, sạp hàng liền kề kinh doanh đa dạng các mặt hàng, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy, nổ.

Cùng với đó là ý thức chấp hành quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của đơn vị quản lý, tiểu thương và người dân chưa cao, dẫn đến phát sinh nhiều tồn tại, vi phạm về công tác PCCC và CNCH tiềm ẩn rất lớn các nguy cơ xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình như vụ cháy chợ Ba Đồn xảy ra ngày 28/9/2023 làm thiêu rụi hoàn toàn 04 ki ốt thiệt hại hơn 02 tỷ đồng.

Anh 6
Lực Lượng Cảnh Sát Pccc Và Cnch Tham Gia Chữa Cháy Tại Chợ Ba Đồn

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp tăng cường công tác an toàn PCCC và CNCH đối với chợ như: Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về PCCC, phát động phong trào toàn dân PCCC; ngoài việc tổ chức kiểm tra về PCCC và CNCH định kỳ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, UBND cấp xã đã tăng cường kiểm tra về PCCC đột xuất vào những ngày rằm, mồng một, dịp lễ lớn; hướng dẫn khắc phục kịp thời những tồn tại, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC và CNCH… Tuy nhiên, một số ban quản lý chợ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không duy trì các điều kiện an toàn về PCCC trong quá trình hoạt động, không tổ chức khắc phục đầy đủ các kiến nghị của cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC dẫn đến công tác PCCC chợ đến hiện nay vẫn còn nhiều vi phạm an toàn PCCC.

Anh 5
Hướng Dẫn Tiểu Thương Sử Dụng Bình Chữa Cháy Dập Tắt Đám Cháy Giả Định

Trong dịp Tết Nguyên đán, tại tất cả các chợ, các hộ tiểu thương sẽ tích trữ một số lượng hàng hóa rất lớn, nếu công tác phòng cháy không được lực lượng bảo vệ chợ và các hộ tiểu thương đề cao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ. Khi xảy ra cháy, dễ cháy lan, cháy lớn, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự trên địa bàn. Để tăng cường công tác PCCC tại các chợ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội sắp tới, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh khuyến cáo các lực lượng bảo vệ chợ, các hộ tiểu thương và người dân mua bán trong chợ cần thực hiện các nội dung sau:

Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra việc thực hiện và duy trì công tác PCCC và CNCH tại chợ, nhất là vào thời gian cao điểm, tập trung nhiều hàng hóa, đông người, ngoài giờ làm việc (sau khi ngừng kinh doanh) để phát hiện và xử lý kịp thời những sơ hở, thiếu sót về PCCC, đặc biệt chú trọng là việc sắp xếp hàng hóa, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

2. Nội quy an toàn PCCC và CNCH, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải được phổ biến, niêm yết tại các khu vực, vị trí dễ thấy để tiểu thương và người dân biết, thực hiện. Bảo vệ chợ phải ngắt tất cả các nguồn điện trong sau khi hết giờ kinh doanh, ngoại trừ nguồn điện bảo vệ (có quy định thời gian ngắt và bật nguồn điện trong nội quy PCCC). Nghiêm cấm việc lập bàn thờ, thắp hương thờ cúng trong khu vực chợ, lực lượng bảo vệ chợ đột xuất, định kỳ kiểm tra việc chấp hành của các tiểu thương để có biện pháp xử lý các cá nhân vi phạm. Lực lượng bảo vệ chợ phải thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và biện pháp phòng ngừa cháy, nổ đến các tiểu thương qua loa phát thanh của chợ; thường xuyên tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn, vận động tiểu thương trang bị phương tiện PCCC, dụng cụ phá dỡ thô sơ và hướng dẫn cách sử dụng để các tiểu thương nắm được và chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ. Định kỳ tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng bổ sung nghiệp vụ về PCCC và CNCH; thực tập phương án chữa cháy, CNCH.

3. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp, thay thế khi hệ thống, thiết bị điện có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng; phải tách riêng nguồn điện kinh doanh, chiếu sáng và PCCC; quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện tại các hộ kinh doanh, không để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn sử dụng điện.

4. Bố trí khu vực để xe của người dân, khu vực xuất, nhập hàng hóa; khu vực bán hàng riêng theo từng nhóm mặt hàng kinh doanh có tính chất nguy hiểm cháy, nổ khác nhau để loại trừ nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Kiểm tra, yêu cầu tiểu thương bố trí, sắp xếp hàng hóa trong khu vực kinh doanh, kho chứa bảo đảm theo quy định, không lấn chiếm, cản trở lối thoát nạn, kiên quyết xử lý các trường hợp tự ý lấn chiếm đường giao thông, lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC.

5. Kịp thời bổ sung, thay thế các phương tiện PCCC và CNCH đã hư hỏng và thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC để luôn luôn đảm bảo phương tiện, hệ thống PCCC luôn đảm bảo chất lượng và hoạt động tốt, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố cháy, nổ, xử lý nhanh khi có cháy, nổ xảy ra.

6. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114 hoặc báo cho Chính quyền, Công an nơi gần nhất, đồng thời tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản./.

Hoàng Nam – PC07

https://congan.quangbinh.gov.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-chaychua-chay-tai-cac-cho-trong-dip-tet/