(QBĐT) – Với mục đích tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội (ASXH) một cách thuận lợi, thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tích cực vận động, khuyến khích người dân nhận các chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Tính đến đầu tháng 11/2024, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) có 430 người đã đăng ký chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng (thẻ ATM), đạt 96,41%. Hiện, địa phương còn 16 người vẫn nhận lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt. Để nâng tỷ lệ người hưởng các dịch vụ ASXH qua phương thức TTKDTM của xã lên 100%, cơ quan BHXH huyện và chính quyền địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp.
Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Thuận cho biết: “Để vận động người dân, BHXH huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động chi trả không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH tại các điểm chi trả; mở các đợt ra quân với nhiều nhóm nhỏ “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”. Sự kiên trì và phương thức vận động linh hoạt đã làm thay đổi nhận thức của người dân, từ đó đưa đến nhiều thuận lợi trong việc nâng cao tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM. Sau xã Võ Ninh, Hải Ninh, đến cuối tháng 11 này, chúng tôi sẽ phấn đấu thêm xã Tân Ninh đạt 100% người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt”.
Xác định công tác triển khai phương thức TTKDTM đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH trong năm 2024 và những năm tiếp theo, BHXH tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu, lộ trình cụ thể và phương châm rõ ràng: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không bàn lùi, chỉ bàn làm”. Đơn vị đã ban hành kế hoạch triển khai và giao chỉ tiêu cho BHXH các huyện, thị xã; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành phối hợp thực hiện.
Trên cơ sở đó, BHXH các huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền và xác định nhóm người hưởng tiềm năng; phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động. Tại các hội nghị, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được tư vấn, đối thoại và được đại diện lãnh đạo các đơn vị BHXH, công an, ngân hàng giải đáp về lợi ích, chính sách ưu đãi cũng như những thắc mắc, băn khoăn, lo ngại khi chuyển từ hình thức nhận lương hưu bằng tiền mặt sang hình thức nhận qua thẻ ATM…
Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 47.634 người hưởng chế độ BHXH hàng tháng với số tiền chi trả trên 2.035 tỷ đồng. Số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM là 16.190 người, đạt 34%, số người hưởng trợ cấp một lần qua thẻ ATM đạt 98%, số người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp qua thẻ ATM đạt 99%. |
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Trần Anh Tuấn, việc không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ giúp người dân và các cơ quan quản lý tiết kiệm thời gian, giảm thiểu rủi ro trong quá trình chi trả, tạo điều kiện để người hưởng tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, nhanh chóng, góp phần phòng, chống tội phạm, hạn chế tình trạng trục lợi, tham nhũng từ nguồn lương hưu, trợ cấp BHXH.
Với mục tiêu đem lại những gì tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, thông qua các kỳ chi trả, BHXH tỉnh phối hợp với ngành bưu điện và các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng trên địa bàn tuyên truyền, vận động người hưởng nhận tiền mặt kịp thời đăng ký chuyển đổi sang phương thức TTKDTM và thiết kế tờ rơi phát đến tận tay người hưởng.
Đối với người lao động đến giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH chưa có tài khoản cá nhân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp phối hợp ngân hàng mở tài khoản miễn phí ngay tại bộ phận một cửa cơ quan BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người hưởng. Đối với người hưởng đã có tài khoản nhưng chưa đăng ký nhận lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản, đơn vị sẽ vận động người dân đăng ký nhận qua tài khoản. Những người già yếu, không đi lại được có thể ủy quyền cho người nhận thay để mở tài khoản và nhận tiền qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng…
“Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn có không ít khó khăn khi triển khai việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt, như: Người hưởng vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt; công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương chưa thật nhịp nhàng; số lượng máy ATM tại các địa phương chưa đồng đều, phần lớn tập trung ở các vùng trung tâm… Để việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về quy trình, thủ tục thực hiện TTKDTM; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, nhất là các trường hợp người hưởng lớn tuổi không rút được tiền tại cây ATM. Đặc biệt, cần tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức thực hiện, củng cố niềm tin đối với người dân, người thụ hưởng chế độ BHXH…”, Giám đốc BHXH tỉnh nhấn mạnh.
Tâm An
https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202411/tang-tien-ich-tao-niem-tin-2222270/