(QBĐT) – Thay vì tiếp tục theo lối mòn với những loài vật nuôi truyền thống, chị Võ Thị Ngọc Lan, nông dân xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) đã quyết định lựa chọn mô hình nuôi đà điểu. Nhờ sự nhạy bén, chị Lan đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tư duy khác biệt
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, chị Lan hào hứng giới thiệu thành quả sau nhiều năm kiên trì gắn bó với loài chim khổng lồ này. Chị Lan kể: “Năm 2021, từ mô hình nhỏ lẻ của gia đình với vài chục cặp giống đà điểu ban đầu, tôi đã tiếp nhận, duy trì mô hình. Sau một thời gian, nhận thấy tiềm năng từ mô hình này, tôi quyết định mở rộng quy mô trang trại với tổng diện tích 5ha, đầu tư thêm và ứng dụng công nghệ cao vào nuôi đà điểu sinh sản.”
Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Võ Thị Ngọc Lan phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là vấn đề thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn bởi chăn nuôi đà điểu chưa phổ biến. Việc tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng và xử lý các vấn đề sức khỏe của đàn đà điểu đòi hỏi chị phải tự học hỏi từ sách báo, tài liệu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ban đầu cũng là một trở ngại không nhỏ. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho trang trại yêu cầu một khoản đầu tư đáng kể, chị Lan phải tận dụng tối đa các nguồn vốn vay và tiết kiệm để đầu tư. Thêm vào đó, việc quản lý rủi ro trong giai đoạn đầu cũng rất khó khăn, đặc biệt là khi đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn đà điểu.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự kiên trì học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật, chị Lan nhanh chóng làm chủ trang trại quy mô lớn. Không chỉ giảm được chi phí đầu vào, quá trình nuôi, chị còn bảo đảm nguồn giống chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Hiện, trang trại của chị Lan cung cấp hàng nghìn con giống mỗi năm cho các trang trại ở Thái Lan và Lào.
Hiệu quả vượt trội
Theo chị Lan, đà điểu là loài chim hiền lành, dễ nuôi vì thức ăn chủ yếu là rau, cỏ, ngô, lúa có sẵn trong tự nhiên. Dù đà điểu có sức đề kháng cao, việc tiêm phòng và bảo đảm vệ sinh chuồng trại vẫn là yếu tố then chốt để bảo đảm sự phát triển ổn định. Trung bình mỗi tháng, mỗi con đà điểu tăng khoảng 10kg. Thịt đà điểu mềm, ít mỡ và có hương vị rất đặc trưng, được khách hàng ưa chuộng.
Chị Lan cho biết, hiện tại trang trại có hơn 600 con đà điểu bố mẹ, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 2.000 con giống chất lượng và các sản phẩm như thịt, trứng đà điểu. Doanh thu trung bình đạt trên 5 tỷ đồng/năm. Trang trại của chị cũng tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi nhiều nông dân trong vùng vẫn trung thành với các loài vật nuôi truyền thống như lợn, gà hay bò, chị Lan đã nhận thấy cơ hội từ việc nuôi đà điểu một loài chim lớn có giá trị kinh tế cao và chi phí chăn nuôi tương đối thấp. Đà điểu không chỉ cho thịt thơm ngon mà còn cung cấp trứng; bên cạnh đó, chất thải của đà điểu dễ xử lý thành phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Bà Phạm Thị Lài, xã Quảng Hưng cho biết: “Chúng tôi tuổi cao, không thể làm việc tại các công ty, nhà máy, thu nhập chủ yếu dựa vào vài sào ruộng. Nhờ có trang trại của chị Lan, chúng tôi có thêm việc làm lúc nông nhàn, góp phần trang trải cuộc sống.”
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Trạch Đặng Xuân Thọ đánh giá: Hiệu quả từ phát triển kinh tế trang trại, đặc biệt là từ mô hình chăn nuôi đà điểu của chị Võ Thị Ngọc Lan đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ dám làm của bà con nông dân trong việc hiện thực hóa khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Thành công từ trang trại nuôi đà điểu đã mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên học hỏi, làm theo chị Lan để nhân rộng mô hình nuôi đà điểu trở thành đặc sản của địa phương. Hội cũng sẽ hỗ trợ hội viên nông dân liên kết với các ngân hàng để vay vốn; mở các khóa tập huấn kiến thức về khoa học, kỹ thuật để mở rộng sản xuất..
Trong tương lai, chị Lan dự định mở rộng thêm diện tích trang trại và nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ đà điểu nhằm đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm. Chị cũng mong muốn truyền đạt kinh nghiệm và hỗ trợ bà con nông dân cùng phát triển mô hình này, biến đà điểu trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Mỹ Hạnh
https%3A%2F%2Fbaoquangbinh.vn%2Fkinh-te%2F202501%2Fthu-nhap-khung-nho-nuoi-da-dieu-2223791%2F