(QBĐT) – So với cả nước, Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam tỉnh Quảng Bình ra đời muộn hơn (2/7/1995); hiện, chi hội có 10 hội viên.
Bám sát mục tiêu, tôn chỉ của Hội VNDG Việt Nam là “Sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa-văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã có những hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa VNDG khá toàn diện các vùng đất trong toàn tỉnh.
Các nhà nghiên cứu VNDG đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành 19 công trình nghiên cứu chuyên sâu, 16 tác phẩm đã xuất bản và nhiều công trình dạng bản thảo có giá trị thực tiễn. Đó là: Những tục Tết, lễ hội, giai thoại Quảng Bình được nhà nghiên cứu (NNC) Văn Tăng tìm tòi biên soạn hàng trăm trang sách. NNC Đặng Thị Kim Liên lại tìm tòi về dấu tích chợ xưa ở các làng quê, chợ vạn chài sông Gianh, bến đò ngang… Những đề tài dân gian tưởng như là quên lãng… thế nhưng lại được các NNC Quảng Bình đã nghiên cứu nghiêm túc, bài bản.
NNC Trần Văn Chường miệt mài với đề tài Địa chí làng Vạn Xuân nơi ông sinh ra và lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh; ông cũng đã thành công biên soạn 3 cuốn lịch sử địa phương đầy tâm huyết.
NNC Đinh Tiến Hùng tận tâm hoàn thành 2 tác phẩm về tín ngưỡng dân gian gắn liền với bảo vệ rừng, đất đai và nguồn nước của người Nguồn huyện Minh Hóa.
Đáng nói hơn là NNC Đỗ Duy Văn, trên 80 tuổi, vẫn hoàn thành 2 tác phẩm: Truyện dân gian Quảng Bình và Vòng đời các dân tộc thiểu số. NNC Trần Ngọc Hùng hoàn thành một tập sách Vợt trăng, thể hiện cách viết mới đầy cảm xúc về văn học dân gian.
Nét mới là chi hội đã quan tâm đến VHDG các dân tộc thiểu số, như: Nguyễn Hoàng Quỳnh Trang với các công trình nghiên cứu về lễ hội đập trống Ma Coong; Đặng Thị Kim Liên với bản thảo Văn hóa dân gian người Vân Kiều; NNC Đinh Thanh Dự, Đinh Tiến Hùng đã dành tâm huyết nghiên cứu nhiều đề tài văn hóa dân gian người Nguồn, như là “Truyện cười dân gian người Nguồn Minh Hóa”, “Văn học dân gian người Nguồn Minh Hóa” (tập I), “Tri thức dân gian người Nguồn trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ”, “Nét đặc sắc trong châm ngôn, phương ngữ”…
Bên cạnh việc hoàn thành những công trình dài hơi đậm chất sưu tầm nghiên cứu biên soạn, in ấn tác phẩm có giá trị, một số hội viên chi hội còn nghiên cứu đề tài hội thảo, chuyên đề cấp huyện, thành phố, tỉnh, Trung ương và viết bài in trên các tạp chí…
Tiêu biểu là NNC Trần Ngọc Hùng với các bài nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hóa Quảng Bình, như: Màu đỏ sông Son, Núi sông thiêng, Vị thần và địa danh Phong Nha, Con sao la trong hương ước cổ làng Cảnh Dương, Vốn cổ vùng cao, Truyện cổ dân tộc thiểu số Quảng Bình, Nghĩ về cây cần ràng…
NNC Đặng Thị Kim Liên nghiên cứu sâu về sức sống làng xã ở TP. Đồng Hới và những ứng dụng VNDG trong tiềm năng Du lịch cộng đồng…
Để có một môi trường thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chi hội đã được các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ. Cụ thể: Sở Văn hóa-Thể thao đã cấp kinh phí hỗ trợ cho nghệ nhân Câu lạc bộ dân ca xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới), Câu lạc bộ dân ca xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) truyền dạy các điệu dân ca; UBND huyện Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí mua sắm nhạc cụ dân tộc cho Câu lạc bộ đàn và hát dân ca xã Vĩnh Ninh; UBND huyện Lệ Thủy đã có chủ trương cho soạn chương trình “Hò khoan Lệ Thủy” để giảng dạy cho con em từ lớp mẫu giáo trở lên.
Bên cạnh đó, chi hội luôn sâu sát tìm hiểu cơ sở nhằm phát huy vai trò nghệ nhân dân gian trong cộng đồng dân cư làng xã. Đây là điều quý báu nhất mà Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình gặt hái được trong hoạt động chuyên môn của mình. Trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã vinh danh được 19 nghệ nhân…
Phải nói rằng, nghệ nhân dân gian mà nòng cốt là các nghệ nhân ưu tú đã làm điểm tựa cho các CLB, như: Hát ru Cảnh Dương, CLB ca trù Đông Dương, CLB yêu câu hò xứ Lệ, CLB hò khơi và hò nậu xăm Ngư Thủy, CLB hát Kiều làng Pháp Kệ, CLB hò khơi Nhân Trạch, CLB hát đúm ví Minh Hóa và nhiều nơi khác đã hoạt động với môi trường lành mạnh, phát triển đáng khích lệ.
Với những nỗ lực đáng ghi nhận, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã được Hội VNDG Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, VNDG; có 4 tác phẩm đoạt giải hàng năm, như: Chợ phiên Ba Đồn, Vạn chài sông Gianh, Bến đò ngang Quảng Bình của tác giả Đặng Thị Kim Liên; Truyện dân gian Quảng Bình của tác giả Đỗ Duy Văn.
NNC Đặng Thị Kim Liên, tác giả Bến đò ngang Quảng Bình được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích 10 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Gần đây nhất, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi, 35 năm Ngày tái lập tỉnh, hội viên chi hội đã tham gia tích cực và đoạt giải B với tác phẩm “Tín ngưỡng dân gian gắn liền với bảo vệ rừng, đất đai và nguồn nước của người Nguồn huyện Minh Hóa Quảng Bình” của Đinh Tiến Hùng, giải C với tác phẩm “Tìm hiểu nét đẹp văn hóa làng, từ góc nhìn hương ước trước năm 1945” của Đặng Thị Kim Liên.
Nhìn lại chặng đường trong nhiệm kỳ 2020-2025, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã cần mẫn sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, VNDG không mệt mỏi, linh hoạt bước tiếp truyền thống các bậc tiền bối, làm đẹp tươi mới tiềm năng VHDG vùng đất Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thời gian tới, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình mong muốn sẽ làm được nhiều công trình nghiên cứu giá trị hơn nữa cho quê hương.
Đặng Thị Kim Liên
https%3A%2F%2Fwww.baoquangbinh.vn%2Fvan-hoa%2F202501%2Ftiem-nang-van-hoa-dan-gian-quang-binh-tao-net-dep-tuoi-moi-2223520%2F