(QBĐT) – “Người mẹ làng cát” là tên bộ phim tài liệu của đồng nghiệp về nghệ nhân nhân dân (NNND) Phạm Thị Niếu. Sinh ra từ làng biển Nhân Trạch (Bố Trạch), gắn bó trọn đời mình với cát, với sóng gió biển Đông, suốt cuộc đời mình, người mẹ làng cát đã kiên nhẫn kiếm tìm, chắt lọc những gì tinh túy của quê hương và làm tỏa rạng trầm tích văn hóa của người làng biển. Sau hành trình dài với rất nhiều nhọc nhằn, niềm vui và hạnh phúc, sáng 16/12/2024, bà đã thanh thản trở về với thế giới người hiền!
Như rất nhiều người mẹ làng cát, cuộc đời bà Phạm Thị Niếu tuần tự đi qua những dấu mốc với nhiều nhọc nhằn, vất vả, thiếu thốn trăm bề. Lập gia đình, tham gia công việc làng xã, nuôi dạy các con, phụng dưỡng mẹ cha để chồng yên tâm chiến đấu…, dẫu nhiều gánh nặng nhưng ngọn lửa nhiệt thành luôn cháy trong trái tim, nên không chỉ làm tròn những nghĩa vụ và thiên chức của người phụ nữ, bà còn là người chắp cánh cho những câu hò, điệu múa đậm chất văn hóa làng biển bay xa.
Trải qua bao thăng trầm, đặc biệt là nỗi đau khi người chồng thân yêu hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, một mình nuôi hai con thơ dại và đảm đương vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, giữa bộn bề cuộc sống, trong trái tim bà luôn dành một góc sâu kín cho những câu hò, điệu múa của quê hương. Chiến tranh ác liệt không chỉ biến quê hương Quảng Bình, trong đó có làng biển Nhân Trạch thành bình địa, mà những giá trị văn hóa cũng bị khuất lấp hoặc dần mai một.
Canh cánh trong lòng nỗi khát khao làm sống dậy những câu hò, điệu múa, hơn hai mươi năm qua, bà Phạm Thị Niếu chắt chiu tiền lương hưu, tiền thưởng trong các cuộc thi và những ngày thăm các con đang sinh sống tại nước ngoài, bà cũng tranh thủ kêu gọi cháu con cùng chung tay làm sống dậy hồn quê.
Tình yêu và sự nỗ lực bền bỉ của người mẹ làng cát đã góp phần sưu tầm, phục dựng lại gia tài văn hóa đồ sộ của làng biển Nhân Trạch. Bằng trái tim dẫn lối và những hiểu biết sâu sắc của mình, đôi chân của bà Phạm Thị Niếu đi đến mọi đường thôn ngõ xóm để tìm hiểu về những di sản của làng, không ngừng tìm kiếm, bồi đắp. Những giai điệu hò khoan, múa bông, chèo cạn… bị khuất lấp bởi thời gian và chiến tranh cùng những nhọc nhằn của quê hương giờ được gom góp lại, tỏa sáng. NNND Phạm Thị Niếu đã thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch; trao truyền kỹ năng trình diễn, thực hành cho nhiều thế hệ, nhất là các cháu học sinh.
Cảm kích trước tấm lòng của người mẹ làng cát, nhiều con em quê hương đã cùng chung tay đóng góp kinh phí để đồng hành cùng NNND Phạm Thị Niếu tiếp tục chắp cánh cho những giai điệu quê hương bay cao, bay xa. Trong một câu chuyện, bà xúc động kể, các tàu cá của làng, sau mỗi chuyến biển đều gom góp chút kinh phí để câu lạc bộ hoạt động. Và các con bà đang sinh sống tại Cộng hòa Séc luôn ủng hộ những việc làm của mẹ, chắt chiu công sức giúp ước mơ của mẹ thành hiện thực.
Khát vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ của người mẹ làng cát đối với nghệ thuật, với quê hương đã làm sống lại không gian lễ hội đầy màu sắc của làng biển Nhân Trạch. Cá nhân bà được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu như Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú và tình yêu, sự ngưỡng mộ của mọi người.
Đặc biệt, năm 2019, bà vinh sự được phong tặng danh hiệu cao quý NNND. Trong ngày vui, bà không quên dự định phục dựng dàn trống dân gian truyền thống nên dành tất cả số tiền thưởng là 17 triệu đồng, gom góp thêm 10 triệu đồng nữa để đầu tư. Sự có mặt của đội trống hội dân gian đã mang lại âm hưởng đặc biệt trong lễ hội cầu ngư Nhân Trạch, làm giàu thêm khó báu tinh thần cho ngôi làng bên chân sóng.
NNND Phạm Thị Niếu sinh năm 1941 tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch). Bà đã cống hiến trọn đời mình cho những giai điệu, lễ hội truyền thống quê nhà. Với những đóng góp nổi bật, bà là NNND duy nhất của Quảng Bình đến thời điểm này.
|
Là NNND duy nhất cho đến thời điểm này, bà là người nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian với những câu hò, điệu múa đặc sắc ít nơi nào có được như văn hóa bá trạo, hò hạ thủy, hò dậm sạp, múa bông chèo cạn, hát quạt, vè cá, múa đồng đăng… Với mong ước những di sản của quê hương sẽ mãi trường tồn, hơn 80 năm của cuộc đời, người mẹ làng cát luôn nhiệt huyết và bền bỉ.
Đặc biệt, trong hơn hai thập kỷ qua, bà dồn hết tâm huyết của mình để phục dựng những nét đẹp của ngôi làng bên chân sóng. Cho đến thời điểm phát hiện mình bị bệnh nan y, bà bình tĩnh thu xếp mọi chuyện, không quên căn dặn con cháu, người thân về những gì cần làm sau khi bà ra đi để những câu hò, điệu múa của quê hương mãi được neo giữ trong mỗi tâm hồn, có mặt trong đời sống hàng ngày!
Sau hành trình miệt mài không ngơi nghỉ, trái tim ấm áp của người mẹ làng cát đã ngừng đập, để lại “gia tài” văn hóa quý báu và tình yêu thương của mọi người. Có ai đó đã từng nói rằng, di sản của một người chính là những điều đẹp đẽ mà họ để lại sau khi tạm biệt thế giới này. Hẳn là thế, và không chỉ để lại di sản, mà những ước mơ, khát vọng của người mẹ làng cát đang được trao truyền, tiếp nối qua nhiều thế hệ, như mạch nguồn văn hóa chảy mãi!
Ngọc Mai
https%3A%2F%2Fwww.baoquangbinh.vn%2Fvan-hoa%2F202412%2Ftien-biet-nguoi-me-lang-cat-2223091%2F