(QBĐT) – Quảng Bình là nơi có truyền thống hiếu học và học giỏi từ lâu. Sử sách còn ghi rõ tên tuổi của những người con Quảng Bình dưới triều Trần, Lê, Mạc, đã có nhiều bậc danh nho túc trí, khoa bảng, gồm: Trương Xán, Phan Mãnh, Trần Đạt, Nguyễn Tử Hoan, Hồ Long, Nguyễn Đình Cầu và có những người đã đậu tiến sĩ ngay từ thời Lê-Mạc vào thế kỷ XV như tiến sĩ Dương Văn An, đậu khoa năm 1547, Lê Đa Năng đậu khoa năm 1565, Nguyễn Trạch đậu khoa năm 1580, Phạm Văn Kháng đậu khoa năm 1592.
Từ thế kỷ XIX trở đi, Quảng Bình lại có nhiều gương hiếu học đỗ đạt trên con đường khoa cử. Dưới triều Nguyễn, Quảng Bình có 269 người đỗ cử nhân, 20 người đỗ phó bảng và 24 người đỗ tiến sĩ. Một bằng chứng rõ nét nhất là 24 vị tiến sĩ người Quảng Bình còn lưu dấu tên tuổi của họ trên bia đá ở Văn Miếu Huế hôm nay.
Văn Miếu Huế với 32 tấm bia tiến sĩ, nơi đây triều đình đã cho khắc ghi tên tuổi và quê quán của 293 người trong cả nước thi đậu tiến sĩ trong 38 khoa thi Hội, từ khoa đầu tiên năm 1822 đến khoa cuối cùng năm 1919. Trong số đó, các vị tiến sĩ là người Quảng Bình trên bia Văn Miếu Huế có 24 vị, gồm:
– Nguyễn Cửu Trường, đậu năm 1838, khắc tên trên tấm bia số 6.
– Phạm Chân đậu năm 1838, khắc tên trên tấm bia số 6.
– Hồ Văn Trị đậu năm 1841, khắc tên trên tấm bia số 7.
– Ngô Khắc Kiệm đậu năm 1842, khắc tên trên tấm bia số 8.
– Nguyễn Duy Cần đậu năm 1842, khắc tên trên tấm bia số 8.
– Nguyễn Dương Huy đậu năm 1844, khắc tên trên tấm bia số 10.
– Nguyễn Đăng Hành đậu năm 1848, khắc tên trên tấm bia số 12.
– Lê Hữu Đệ đậu năm 1848, khắc tên trên tấm bia số 12.
– Vũ Xuân Xán đậu năm 1848, khắc tên trên tấm bia số 12.
– Nguyễn Phùng Dực đậu năm 1849, khắc tên trên tấm bia số 13.
– Nguyễn Quốc Thành đậu năm 1851, khắc tên trên tấm bia số 14.
– Phạm Nhật Tân đậu năm 1851, khắc tên trên tấm bia số 14.
– Trần Văn Hệ đậu năm 1851, khắc tên trên tấm bia số 14.
– Trần Văn Chuẩn đậu năm 1862, khắc tên trên tấm bia số 18.
– Phạm Duy Đôn đậu năm 1865, khắc tên trên tấm bia số 20.
– Lê Đại đậu năm 1869, khắc tên trên tấm bia số 20.
– Phan Văn Khải đậu năm 1889, khắc tên trên tấm bia số 23.
– Tạ Hàm đậu năm 1892, khắc tên trên tấm bia số 25.
– Trần Văn Thống đậu năm 1901, khắc tên trên tấm bia số 26.
– Nguyễn Duy Tích đậu năm 1901, khắc tên trên tấm bia số 26.
– Nguyễn Duy Phiên đậu năm 1907, khắc tên trên tấm bia số 28.
– Lê Chí Tuân đậu năm 1907, khắc tên trên tấm bia số 28.
– Nguyễn Ngọc Toản đậu năm 1916, khắc tên trên tấm bia số 31.
– Võ Khắc Triển đậu năm 1919, khắc tên trên tấm bia số 32([1]).
Trong 24 vị tiến sĩ này có 2 khoa thi năm 1848 và năm 1851 mỗi khoa đỗ tới 3 người như Nguyễn Đăng Hành, Lê Hữu Đệ và Vũ Xuân Xán đỗ năm 1848; Nguyễn Quốc Thành, Phạm Nhật Tân, Trần Văn Hệ đỗ năm 1851. Và các năm 1838, 1842, 1901, 1907 mỗi khoa đỗ 2 người như Nguyễn Cửu Trường, Phạm Chân đỗ năm 1838; Ngô Khắc Kiệm, Nguyễn Duy Cần đỗ năm 1842; Trần Văn Thống, Nguyễn Duy Tích đỗ năm 1901; Nguyễn Duy Phiên, Lê Chí Tuân đỗ năm 1907.
Trong một làng văn vật như làng La Hà có 5 vị đậu tiến sĩ vào các năm 1851, 1862, 1892 và 1901 gồm các vị Phạm Nhật Tân, Trần Văn Hệ, Trần Văn Chuẩn, Tạ Hàm, Trần Văn Thống. Làng Cảnh Dương có 2 người đỗ tiến sĩ gồm Phạm Chân đỗ năm 1838, Nguyễn Phùng Dực đỗ năm 1849.
Có những gia đình mà ông, cháu, anh, em đều đỗ đại khoa như gia đình tiến sĩ Nguyễn Duy Cần ở làng Lý Hòa; gia đình tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành có cha con, huynh đệ cùng đăng khoa là con của Nguyễn Quốc Hoàn, là em của Nguyễn Quốc Uyển; hoặc Phạm Nhật Tân làm quan giữ chức Chưởng ấn Văn hệ nghiệp ấn có chú cháu cùng đăng khoa, là chú của Phạm Bình.
Tiến sĩ Tạ Hàm làm quan đến chức Tham biện các vụ, cha con bá điệt đường huynh đệ đều đăng khoa là con thừa tự của Tạ Khuê, là cháu của Tạ Kim Vực, Tạ Kim Phu, là em họ của Tạ Kim Bàng và Tạ Ngọc Đường, là tòng huynh của Tạ Trí Đạm.
Ngoài ra còn có tiến sĩ Nguyễn Phùng Dực làm quan Đốc học Vĩnh Long có huynh đệ đăng khoa là em ruột của Nguyễn Tịnh.
Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn từng giữ chức Tổng đốc An Tịnh, ông làm quan trải qua nhiều chức vụ khác nhau luôn được dân chúng yêu mến, có huynh đệ đăng khoa là anh của Trần Văn Thức.
Nguyễn Duy Phiên mới 23 tuổi mà đã đậu đầu khoa thi Hội, thi Đình năm 1907.
Hành trạng của 24 vị tiến sĩ người Quảng Bình trên bia Văn Miếu Huế mỗi người có những đóng góp khác nhau trên khắp mọi miền đất nước. Họ là những người có chí khí, hết lòng phục vụ triều đình, phục vụ nhân dân, gương sáng điển hình có thể kể đến tiến sĩ Võ Khắc Triển là vị tiến sĩ cuối cùng của Nho học Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, kết thân với cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông “thường bảo vệ những người vô tội, che chở tù chính trị, thường giảm án hoặc tha bổng họ, làm lợi cho phong trào cách mạng”([2]).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông gắn bó với quê hương Quảng Bình chia sẻ gian nguy với nhân dân địa phương và luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Với trình độ Hán-Nôm uyên thâm của mình, năm 1957 ông được Trung ương mời ra Hà Nội rồi làm việc ở Viện Văn học với 10 năm cần mẫn không mệt mỏi lao vào công tác khoa học dịch thuật Hán Nôm, đóng góp nhiều công trình dịch thuật các tác phẩm văn học trung đại cho đất nước. Thế hệ trẻ Quảng Bình hôm nay nối tiếp truyền thống hiếu học của quê hương, của những người đi trước như ở huyện Lệ Thủy, dòng họ của cụ Võ Khắc Triển đã có nhiều gia đình hiếu học, con cháu đỗ đạt.
Một trong những thành tựu tạo nên truyền thống khoa bảng Quảng Bình, đó là lòng ham học và học giỏi của người dân. Có những làng việc học như là một tiêu chuẩn, một nhân cách và đã có những làng hiếu học như Lệ Sơn, La Hà, Quảng Xá, Cổ Hiền, Tuy Lộc, Mỹ Lộc, Kim Nại, Đại Phong…
Để tấm gương hiếu học của 24 vị tiến sĩ người Quảng Bình được trên bia Văn Miếu Huế ngày càng lan tỏa nên chăng các cơ quan chức năng cần có các kênh hình ảnh, phim tư liệu lịch sử, bản dập văn bia, sách, tạp chí có liên quan đến khoa cử Quảng Bình, nhân rộng đưa vào thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh để lưu trữ, làm tư liệu phục vụ việc dạy học môn Giáo dục địa phương Quảng Bình trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, thế hệ trẻ Quảng Bình hôm nay tiếp nối truyền thống khoa cử và hiếu học mà các bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trần Nguyễn Khánh Phong
[1]: Nguyễn Thành Vân, Phạm Ngô Minh: Khoa bảng Quảng Bình và Giáo dục-Khoa cử triều Nguyễn. NXB Đà Nẵng, 2016, trang 110, 111, 112.
[2]: Nhiều tác giả: Kỷ yếu hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nho học cuối cùng của Việt Nam Võ Khắc Triển (1883-1966)”. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009, trang 8.
https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/tien-si-nguoi-quang-binh-tren-bia-van-mieu-hue-2223049/