(QBĐT) – Người đang ngồi trước mặt chúng tôi là một đại tá quân đội, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 314, Quân khu 2, người đã đi từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị đến…“lò vôi thế kỷ”. Thấp thoáng sau dáng vẻ giản dị và khổ người cao lớn là sự trầm tĩnh đến lạ thường…
Chi tiết, tỉ mỉ đến tận tình, ông vừa kể vừa giải thích cho chúng tôi nghe chuyện đời lính trận. Một ngày hè của tháng 6/1965, chàng thanh niên Hồ Quang Vân (SN 1946, ở thôn Thượng Thôn, xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn), mới 19 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT thì nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Ông được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 45 (Tỉnh đội Quảng Bình lúc bấy giờ).
Từ đó đến năm 1969, những tân binh như ông vừa huấn luyện vừa chiến đấu mà ông gọi là thời gian “cơm Bắc, giặc Nam”. Thỉnh thoảng, đơn vị bí mật hành quân vượt sông Bến Hải vào đánh địch ở Quảng Trị, sau đó bí mật rút quân trở về. Mỗi trận đánh kéo dài khoảng từ 2-3 tháng.
Cho đến giờ đây, ông Vân vẫn nhớ trận đánh đầu tại chiến trường Quảng Trị. Đó là ngày 7/7/1967. Trước khi vượt sông Bến Hải vào đánh địch, ông nhận được tin gia đình thông báo người em gái của ông, một y sĩ đang sơ tán ở xã Hưng Trạch (Bố Trạch) bị trúng bom Mỹ hy sinh. Nén lại nỗi đau, ông cùng đồng đội tiếp tục vượt sông chiến đấu.
Trong trận chiến đó, tiểu đội của ông chỉ có vỏn vẹn 15 người nhưng đã chiến đấu độc lập đối mặt với 1 đại đội hơn 100 tên địch. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ chiến đấu, đơn vị của ông đã tiêu diệt hơn một nửa quân số của địch và bắn cháy 2 xe tăng. Tiểu đội của ông hy sinh đến 12 người. Sau trận chiến đó, ông được giao nhiệm vụ tiểu đội trưởng, rồi tiểu đoàn phó và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay tại chiến trường.
Với nhiều người lính của Trung đoàn 48 (năm 1972, đại đội của ông Hồ Quang Vân được biên chế vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quảng Trị), từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị, ông Hồ Quang Vân được nhiều người biết là người chỉ huy gan dạ, dũng cảm và mưu trí.
Ông Nguyễn Hữu Lai, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị tại tỉnh Quảng Bình kể, tháng 7/1972 là thời điểm khốc liệt nhất cuộc chiến giữ thành. Ông được biên chế từ Trung đoàn 45 sang Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B để vào trấn giữ ở trung tâm Thành cổ. Đến bây giờ, ông Lai vẫn nhớ trận đánh cứ điểm nhà thờ Trí Bưu do ông Hồ Quang Vân, lúc đó là Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 chỉ huy mũi đột kích chính diện của trận đánh. Sau mấy ngày đêm chiến đấu, mũi đột kích đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm của địch khiến chúng phải dạt ra xa. Chính đồng chí Hồ Quang Vân là người cuối cùng trong đội hình Trung đoàn 48 rút khỏi Thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm khói lửa.
Đại tá Hồ Quang Vân nhớ lại, khi tiến vào Thành cổ, ông tự mình trực tiếp đi trinh sát địa hình, địa vật để vạch ra kế hoạch và bố trí lực lượng chiến đấu, bởi đây là một cứ điểm mạnh và lực lượng của địch rất đông. Sau khi chuẩn bị chu đáo, ông báo cáo chỉ huy đơn vị và trực tiếp chỉ huy mũi tấn công trực diện, chủ động tiến thẳng vào cứ điểm của địch.
Trận chiến kéo dài từ ngày 5/8-12/9/1972 trong thế giằng co dữ dội. Có lúc ta chiếm ưu thế, có lúc địch phản công chiếm lại. Phải đến ngày 12/9, trước sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của ta, cuối cùng quân địch đành rút quân, bỏ chạy. Kết thúc trận chiến ác liệt nhưng đến ngày 13/9, chỉ huy đơn vị vẫn chưa thấy ông trở về, vì nghĩ ông đã hy sinh và cho người đi tìm. Vài ngày sau, ông trở về căn cứ của đơn vị trong niềm xúc động và vui sướng của đồng đội. Vì vậy, ông Hồ Quang Vân trở thành người cuối cùng của Trung đoàn 48 rút khỏi Thành cổ Quảng Trị.
Nhận thấy năng lực chỉ huy của ông, tháng 10/1972, chỉ huy đơn vị quyết định cử ông ra Hà Nội học lớp cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn. Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tháng 9/1973-1977, ông được cử sang Liên Xô đào tạo quân sự.
Về nước, ông được phân công giảng dạy tại Học viện Lục quân Đà Lạt. Từ năm 1982-1984, ông tiếp tục sang Liên Xô học lớp đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược. Hoàn thành chương trình đào tạo về nước, ông được phân công nhiệm vụ Tham mưu trưởng, Sư đoàn phó, rồi sau đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 314 (Quân khu 2), chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).
Đại tá Hồ Quang Vân nhớ lại, đây cũng là thời điểm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra ác liệt và quy mô nhất. Từ năm 1984-1989, địch huy động hơn 50 vạn quân và hàng chục sư đoàn, trung đoàn bộ binh, pháo binh để đánh ta. Đây cũng là cuộc chiến kỳ lạ nhất vì ta và địch xen kẽ nhau, bám lấy nhau mà đánh, có ngày tới 2-3 trận. Thế nhưng trong suốt 5 năm, địch không thể xâm nhập sâu vào biên giới nước ta quá 2km.
Những năm tháng đó, chiến trường Vị Xuyên được gọi là “cối xay thịt”, “lò vôi thế kỷ” là vì vậy. Năm 1990, sau khi cuộc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, Sư đoàn 314 giải thể, Đại tá Hồ Quang Vân cũng xin về nghỉ hưu theo chế độ, khi chỉ mới 44 tuổi.
Với quãng đời 25 năm theo đường binh nghiệp, thế nhưng khi tôi tò mò hỏi ông về những kỷ vật của thời cầm súng? Ông từ tốn bảo, không có gì và ông cũng không mang gì về, ngoài bộ quân phục đã cũ năm xưa. Bởi với ông, được trở về với tấm thân toàn vẹn và còn khỏe mạnh là một điều may mắn lắm rồi. Có lẽ, với người lính thời chiến, bước ra từ ranh giới sinh tử mong manh, hơn ai hết, họ chỉ muốn sống giản dị như một người bình thường. Và nếu đã là người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, họ có bao giờ giữ cho riêng mình điều gì.
Đại tá Vân còn chia sẻ, nếu đất nước không có chiến tranh và ông không phải cầm súng ra trận bảo vệ đất nước, chắc giờ đây ông đã trở thành một kỹ sư xây dựng cầu đường, bởi đó là ước mơ từ thuở nhỏ của ông…
Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 45 (Tỉnh đội Quảng Bình cũ) Đoàn Thị cho biết, những năm đầu nhập ngũ, ông cùng đơn vị với đại tá Hồ Quang Vân. Từng là đồng đội chiến đấu sát cánh bên nhau trên chiến trường, ông biết ông Vân là người lính chiến đấu rất dũng cảm và sau này, là người chỉ huy mưu trí. |
Dương Công Hợp
https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202412/tu-chien-truong-thanh-co-quang-tri-den-lo-voi-the-ky-2223190/