Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tứcXây dựng nông thôn mới ở miền núi: Đồng lòng vượt khó

Xây dựng nông thôn mới ở miền núi: Đồng lòng vượt khó

(QBĐT) – Với địa bàn rộng, dân cư phân tán, tỷ lệ hộ nghèo cao…, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã miền núi huyện Quảng Ninh gặp không ít khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, nhờ cách làm sáng tạo, phù hợp, diện mạo làng quê tại các xã vùng khó đã có nhiều khởi sắc, từng bước thu hẹp khoảng cách với các xã miền xuôi.

Dồn sức xây dựng nông thôn mới

Sau nhiều năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng khó trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có sự chuyển biến rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, toàn huyện có 3 thôn: Long Sơn, Liên Xuân và Hồng Sơn (xã Trường Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM; thôn Tân Sơn (Trường Sơn) đang trình hồ sơ đề nghị huyện thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM tại xã đặc biệt khó khăn.

Để đạt được kết quả đó, các xã miền núi huyện Quảng Ninh đã chủ động bám sát bộ tiêu chí NTM theo quy định; tranh thủ, huy động mọi nguồn lực và lựa chọn cách thức xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, tạo khí thế thi đua giữa các thôn, bản trong xây dựng NTM.


Làm Đường Giao Thông Nông Thôn.
Làm đường giao thông nông thôn.

Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Long Sơn (xã Trường Sơn) Nguyễn Thị Thảo cho hay: “Thôn được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2022. Trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể thôn Long Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia đóng góp xây dựng NTM. Công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường cũng được thôn đặc biệt quan tâm, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp”. 

Theo Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức, khởi đầu gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Trường Sơn đã đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng NTM. Đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí NTM và là xã đặc biệt khó khăn duy nhất trên địa bàn tỉnh có 3 thôn, bản đạt NTM. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, như: Giao thông, trường học, thủy lợi, nhà văn hóa… đã giúp cho người dân đi lại thuận tiện, đời sống văn hóa được nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Với sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân và nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, xã Trường Xuân đã đạt 17/19 tiêu chí NTM.

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Trần Thanh Hiền cho biết, ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức xây dựng NTM; lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; tập trung phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2024, nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến 1.500m2 đất, 17.000 cây các loại để xây dựng công trình kè chống sạt lở thôn Kim Sen, nâng cấp, mở rộng đường vào bản Lâm Ninh và đường nội đồng tại các thôn, bản.

Nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí

Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự kiên trì, tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và sự chung tay, đồng lòng của người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc thực hiện xây dựng NTM ở các xã miền núi trên địa bàn huyện Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động nội lực trong dân rất hạn chế, nhất là các tiêu chí cần nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất; việc sản xuất ở một số thôn, bản còn mang tính tự phát, làm theo phong trào nên hiệu quả kinh tế chưa cao dẫn đến việc hoàn thành các tiêu chí mềm, như: Thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo… gặp khó.


Năm 2025, huyện Quảng Ninh phấn đấu: Các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2020 hoàn thiện, đạt chuẩn các tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025; xã Trường Xuân đạt chuẩn NTM, xã Trường Sơn đạt tối thiểu 15 tiêu chí; bình quân đạt 18,69 tiêu chí/xã.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, những năm qua, huyện đã ban hành các văn bản điều hành, chỉ đạo để triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn bảo đảm kịp thời, phù hợp với quy định của bộ tiêu chí và điều kiện thực tế tại địa phương. Huyện cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024 với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/xã; hỗ trợ khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn, bản ở xã khó khăn đạt chuẩn NTM với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/thôn, bản.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Trần Xuân Tình, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân; lồng ghép thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống của người dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Đối với các xã khó khăn, huyện tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản.

Lan Chi

https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202501/xay-dung-nong-thon-moi-o-mien-nui-dong-long-vuot-kho-2223626/