Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDanh NhânBài cuối: Nghĩa nặng... tình sâu!

Bài cuối: Nghĩa nặng… tình sâu!

(QBĐT) – Cuộc đời tướng Hoàng Sâm tính từ thời điểm gặp Thầu Chín-Nguyễn Ái Quốc tại. Thái Lan (1928) cho đến lúc ông hy sinh (1968) là một chuỗi xê dịch, đi bất kỳ nơi đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng, Bác Hồ, Quân đội, nhân dân giao phó. Ông là vị tướng trận mạc, xem nghĩa chung nặng hơn tình riêng. Chuyện gia đình, nuôi dạy con cái hoàn toàn do vợ đảm chu toàn. Cuối năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Trị-Thiên. Cánh chim phượng hoàng mãi mãi “neo đậu” trên mảnh đất miền Trung kiên cường, bất khuất, nơi đó có quê hương ông.

    >>> Bài 1: Đất khoa bảng… nuôi chí anh hùng

    >>> Bài 2: Sự lựa chọn lịch sử

    >>> Bài 3: Ra quân là đánh thắng

    >>> Bài 4: Khúc tráng ca Tây Tiến

Người Cha già khóc con

Gắn bó với Bác Hồ từ những ngày bôn ba ở nước ngoài hoạt động cách mạng, Bác Hồ dành cho tướng Hoàng Sâm một tình cảm rất đặc biệt. Bác xem tướng Hoàng Sâm như một người con. Là vị tướng trận mạc, Hoàng Sâm theo nghĩa lớn mà quên chuyện lập gia đình. Khi đã bước qua tuổi 33, Bác Hồ quyết định giới thiệu cho ông một cô gái Hà Nội. Vợ chồng tướng Hoàng Sâm “nên đôi, nên đũa” là nhờ Bác tác thành.


Bút Tích Thư Tay Bác Gửi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Nhắn Tướng Hoàng Sâm Vào Gặp Trước Khi Lên Đường Vào Nam Chiến Đấu.
Bút tích thư tay Bác gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắn tướng Hoàng Sâm vào gặp trước khi lên đường vào Nam chiến đấu.

Vợ tướng Hoàng Sâm là bà Phan Thị Mỹ Lệ, nguyên nữ sinh trường Đồng Khánh (Hà Nội), sau này là giáo viên cấp hai dạy bộ môn Văn-Sử. Ông bà lần lượt sinh hạ năm người con gồm các anh chị: Hoàng Thị Lan (SN 1948, đã mất), Hoàng Mộng Liên (SN 1950), Hoàng Sùng (SN1952), Hoàng Thu Thủy (SN 1955) và Hoàng Hải (SN 1961, đã mất). Theo nghiệp bố, những người con của tướng Hoàng Sâm đều tham gia lực lượng vũ trang.

Trong ngôi nhà tại phố Vương Thừa Vũ (TP. Hà Nội), nơi bà Hoàng Mộng Liên, con gái thứ hai tướng Hoàng Sâm sinh sống, chúng tôi được nghe bà kể lại tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ dành cho bố mẹ và gia đình mình.

Năm 1948, tại buổi lễ phong tướng đầu tiên ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Bác Hồ tặng tướng Hoàng Sâm một chiếc đồng hồ, mặt sau ghi dòng chữ “Hồ Chí Minh tặng”. Chiếc đồng hồ đó luôn đồng hành cùng ông đi khắp các chiến trường. Trước khi vào Nam, ông trao lại cho bà Mỹ Lệ. Khi tướng Hoàng Sâm hy sinh, bà Mỹ Lệ tặng kỷ vật này cho con gái Hoàng Mộng Liên với lời dặn dò “Sau này gửi cho con trai, kỷ vật thiêng liêng Bác Hồ dành cho ông ngoại. Để con cháu nhớ, học tập, noi gương”.

Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến trường miền Nam trong đó có mặt trận Trị-Thiên gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi phải có một người đủ khả năng, bản lĩnh vào trực tiếp lãnh đạo phong trào. Một lần nữa, tướng Hoàng Sâm được Bác Hồ trực tiếp lựa chọn.

Trước ngày tướng Hoàng Sâm vào chiến trường, Bác Hồ lường hết những khó khăn, nguy hiểm, thậm chí hy sinh cả tính mạng, vì thế Bác viết một lá thư tay gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắn tướng Hoàng Sâm vào gặp Bác. Toàn văn bức thư như sau: “Kính gửi chú Hai! 7 giờ sáng mai (thứ tư) hoặc ngày kia (thứ năm), Bác muốn gặp đồng chí Hoàng Sâm. Khi gặp, Bác nên dặn dò những điều gì? Thân ái. 2/7/1968. Bác”. Rất tiếc… những lời căn dặn giữa người Cha già dân tộc và tướng Hoàng Sâm đã không được ghi chép lại.

Bà Hoàng Mộng Liên xúc động kể: Khi bố mất ở chiến trường, Bác Hồ chỉ thị cho quân đội, bằng mọi giá phải đưa được bố ra. Bác đến viếng bố, Bác khóc nhiều lắm. Sau đó Bác hỏi mẹ: “Cô muốn có nguyện vọng gì không?”. Mẹ bảo: “Cháu chỉ muốn được thấy mặt anh Sâm”. Bác Hồ lắc đầu, bởi vì lúc đó đưa bố ra trong một quan tài kẽm kín mít, làm sao nhìn thấy. Mẹ lại hỏi Bác: “Người trong quan tài đó, có đúng anh Sâm không?”. Bác Hồ gật đầu xác nhận. Vâng lời Bác, mẹ không có đề nghị gì thêm.


Bà Hoàng Mộng Liên Con Gái Tướng Hoàng Sâm Dâng Hương Trước Bàn Thờ Gia Tộc Và Bố Mình.
Bà Hoàng Mộng Liên con gái tướng Hoàng Sâm dâng hương trước bàn thờ gia tộc và bố mình.

Vì nghĩa chung, gác lại tình riêng

Những ngày trước khi tướng Hoàng Sâm lên đường vào chiến trường, bà Phan Thị Mỹ Lệ rất buồn, bà hỏi chồng: “Chiến trường ác liệt như thế, anh đi nếu chẳng may không về, ai nuôi năm đứa con nhỏ?”. Ông trả lời ngắn gọn, đầy tin tưởng: “Anh hy sinh thì các con đã có em, có Đảng, có Nhà nước lo. Nhất định các con sẽ nên người”.

“Gia đình sơ tán lên Hòa Bình, mẹ hay đến Quân khu 3 hỏi thăm tin tức bố. Đầu năm 1969, khi mẹ đến, các bác lãnh đạo Quân khu bảo bố bị ốm nặng. Chắc chắn lúc này bố đã hy sinh rồi, nhưng các bác trả lời thế để trấn an tinh thần mẹ. Từ Hòa Bình, chiến tranh ác liệt thế, mẹ vẫn về Hà Nội tìm mua cho bố mấy tút thuốc để dành, chờ ngày bố ra”- bà Hoàng Mộng Liên nhớ lại- “Năm 1991, mẹ tôi mất. Mẹ qua đời rất thanh thản, bà để lại cho các con rất nhiều bài thơ viết cho bố, trong đó có hai bài thơ gói trọn tình cảm của một người vợ dành cho chồng, một người con thương nhớ Bác Hồ”.

Được sự đồng ý của bà Hoàng Mộng Liên, chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn hai bài thơ, như một lời tri ân trên hành trình theo dấu chân cánh chim phượng hoàng một thời tung cánh bằng theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ-Thiếu tướng Hoàng Sâm.


Gia Đình Thiếu Tướng Hoàng Sâm.
Gia đình thiếu tướng Hoàng Sâm.

Bài thơ thứ nhất “Tưởng nhớ anh Hoàng Sâm”: Vẫn mái nhà xưa, anh đi đâu/Na, cam ra quả đượm muôn sầu/Ơn người chăm sóc không còn nữa/Quả trĩu trên cành nghĩa nặng sâu/Rặng lý, rặng nho, nọ cây đào/Nhớ anh trước gió lá rì rào/Phi lao thẳng tắp vi vu mãi/Mát rượi mong anh từ hôm nao/Nhìn cá lội bơi những xế chiều/Thương anh mơ ước biết bao nhiêu/Trở về ta nấu nồi riêu cá/Chan húp mát lòng bên con yêu/Anh đã đi rồi theo tổ tiên/Nhà xưa vắng vẻ cảnh triền miên/Hương thơm tỏa ngát bao quanh ảnh/Hồn nhắn vợ con sống nhẫn kiên/Cỏ đã mọc xanh trên mộ rồi/Thương anh ngồi khóc lệ tuôn rơi/Tình riêng nhỏ bé bên non nước/Khắc phục lâu dài nỗi đầy vơi/Ước mơ đất nước được thanh bình/Con cháu tự do sống quang vinh/Nghĩa cả quên mình anh không tiếc/Ngàn thu yên nghỉ dạ đinh ninh.

Bài thơ thứ hai “Bác Hồ và anh Sâm”: Nước mắt chan hòa Bác đến thăm/Con sao không dậy vẫn yên nằm/Phải chăng trọn vẹn tình non nước/Ngủ giấc say sưa với tháng năm/Bác tặng vòng hoa đẹp nhất hoa/Đặt bên linh cữu thật xót xa/Cúi đầu vĩnh biệt con thương tiếc/Cảm động rưng rưng Bác lại ra/Chín tháng trôi qua rồi một ngày/Bác Hồ tạ thế gió heo may/Ra đi trời khóc, muôn người khóc/Tang tóc, biệt ly, ôi đắng cay/Người đi nghĩa vụ đã xong rồi/Tiếp bước cha anh tiến lên thôi/Nam Bắc hai miền giành thắng lợi/Bài ca độc lập vọng muôn nơi!


Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Thiếu tướng Hoàng Sâm đảm nhận rất nhiều vị trí công tác: Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng (1955); Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn (1967), Đại biểu Quốc hội khóa II (1960-1964); Phó đoàn trưởng phụ trách quân sự Đoàn chuyên gia quân sự 959 giúp cách mạng Lào (1961-1962); Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu 3 (trên cơ sở hợp nhất Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn, 1963), đại biểu Quốc hội khóa III (1964-1971); Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn (tách Quân khu 3 thành Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn, 1967). Tháng 5/1968, Quân ủy Trung ương ra Quyết nghị số 025/HM, thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị-Thiên, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Tư lệnh. Cuối năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Trị-Thiên.

Ngô Thanh Long

https://baoquangbinh.vn/phong-su/202411/canh-chim-phuong-hoang-bai-cuoi-nghia-nang-tinh-sau-2222540/