Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeLịch SửNhớ Thiếu tướng Hoàng Sâm

Nhớ Thiếu tướng Hoàng Sâm

(QBĐT) – Khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng đang phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Thiếu tướng Hoàng Sâm-Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình” thì ở xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), người dân cùng bà con nội tộc cũng bồi hồi nhớ về người con ưu tú của quê hương…

Họ Trần ở xã Văn Hóa

Ông Trần Xuân Quế, một người cháu gọi Thiếu tướng Hoàng Sâm (tên Trần Văn Kỳ) bằng bác kể: Người đứng đầu dòng họ Trần ở xã Văn Hóa là ông Trần Cảnh Nông, một vị quan võ dưới triều Lê. Ông Trần Cảnh Nông được vua Lê Thánh Tông phái vào Hoành Sơn đóng doanh trại để ngăn chặn quân Chiêm Thành phía Nam tràn qua.

Ông Trần Cảnh Nông sinh được 3 người con trai, gồm: Trần Cảnh Huống (con trai đầu), Trần Cảnh Phúc (con trai thứ hai) và con trai út Trần Cảnh Tân. Khi lớn lên, người con trai thứ 2 và út đến nơi khác định cư còn người con trai đầu ở lại làng làm nghề dạy học. Tại đất Lệ Sơn, ông Trần Cảnh Huống sinh được 3 người con trai, đặt tên là Trần Công Dụng, Trần Như Du, Trần Như Bàn.

Ông Trần Văn Kỳ thuộc nhánh họ ông Trần Như Du. Ông Du sinh hạ con cháu nhiều đời, nhưng qua chiến tranh chống Pháp, nhân dân phải tản cư lên núi, gia phả bị thất lạc nên nhiều đời bị gián đoạn.


Dâng Hương Các Anh Hùng Liệt Sỹ Họ Trần Ở Xã Văn Hóa.
Dâng hương các anh hùng liệt sỹ họ Trần ở xã Văn Hóa.

Về sau nay, ông Trần Văn Kỳ có ông cố nội tên là Trần Học, ông nội tên Trần Hách. Ông Trần Hách sinh hai con trai Trần Ngổng, Trần Hạc. Vợ chồng ông Trần Ngổng sinh ba anh, em trai, gồm: Trần Văn Kỳ, Trần Khôi và Trần Khoa. Khi lập gia đình, Thiếu tướng Hoàng Sâm lần lượt sinh hạ năm người con gồm các anh chị: Hoàng Thị Lan (SN 1948, đã mất), Hoàng Mộng Liên (SN 1950), Hoàng Sùng (SN 1952), Hoàng Thu Thủy (SN 1955) và Hoàng Hải (SN 1961, đã mất). Theo nghiệp bố, những người con của tướng Hoàng Sâm đều tham gia lực lượng vũ trang.

Chủ tịch UBND xã Văn Hóa Trần Đức Hiến cho biết: “Toàn xã có trên 1.100 hộ dân, gần 3.700 nhân khẩu, trong đó người họ Trần chiếm khoảng 1/3 dân số. Bà con họ Trần luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và chia sẻ khó khăn mỗi khi thiên tai, hoạn nạn cũng như chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong chiến tranh hay thời bình, họ Trần ở Văn Hóa đều có những con người xuất chúng, đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước”.

Người con ưu tú…

Trước Cách mạng tháng Tám, đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ nên cậu bé Trần Văn Kỳ theo gia đình sang Thái Lan sinh sống. Nơi đây, cậu bé Trần Văn Kỳ gặp Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Thái Lan với bí danh Thầu Chín. Bác thấy cậu bé Kỳ mới 12 tuổi nhưng sáng dạ, nhanh nhẹn nên chọn làm liên lạc viên. Từ đó, Trần Văn Kỳ theo Thầu Chín đi khắp nơi hoạt động cách mạng rồi làm nên tên tuổi của Thiếu tướng Hoàng Sâm lừng lẫy sau này…

Nhà thờ họ Trần ở xã Văn Hóa là nơi gặp gỡ, giao lưu của con cháu trong họ mỗi khi tìm về nguồn cội. Trong nhà thờ có bia tưởng niệm 30 liệt sỹ họ Trần, trong đó Thiếu tướng Hoàng Sâm được ghi ở hàng đầu tiên.

Bí thư Đoàn xã Văn Hóa Trần Xuân Linh, cũng là người cháu trong họ của Thiếu tướng Hoàng Sâm chia sẻ: “Cứ mỗi dịp rằm hay lễ, Tết, chúng tôi đều đến nhà thờ họ quét dọn, dâng hương. Học tập các thế hệ đi trước, chúng tôi cũng làm theo các nghi lễ để giữ bản sắc, gia phong của dòng họ. Mỗi lần đến đây, tôi đều được các cụ cao niên trong họ kể lại về những câu chuyện của Thiếu tướng Hoàng Sâm, một người con ưu tú của quê hương, dòng tộc, tôi vô cùng xúc động và tự hào”.


Cầu Và Đường Về Xã Văn Hóa Được Xây Dựng Khang Trang.
Cầu và đường về xã Văn Hóa được xây dựng khang trang.

Con cháu họ Trần khắp nơi sum họp về nhà thờ họ ở xã Văn Hóa đông nhất trong năm là ngày chạp mộ (ngày 2/11 âm lịch). Sáng hôm đó, khi trống họ vang lên cũng là lúc con cháu tập trung đến nhà thờ dâng hương lên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính. Trong mâm cơm tại nhà thờ họ, bà con họ Trần tự hào kể cho nhau nghe về tấm gương của Thiếu tướng Hoàng Sâm, nhất là những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng, đất nước, dân tộc.

Không chỉ có người dân thuộc dòng tộc họ Trần mà bà con ở xã Văn Hóa vẫn luôn tự hào mỗi khi nhắc đến người con ưu tú của quê hương. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Văn Hóa Nguyễn Thanh Sơn cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã nghe cha kể rất nhiều về Thiếu tướng Hoàng Sâm, nhất là những năm tháng tuổi thơ ông gắn bó với quê hương, rồi những chiến công lẫy lừng ông cùng quân dân cả nước giành được. Qua những câu chuyện đó tạo động lực để tôi trở thành một người lính, tạo cảm hứng để tôi kể lại tấm gương của Thiếu tướng cho thế hệ trẻ xã nhà hôm nay…”.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, hàng năm, Hội Cựu chiến binh xã Văn Hóa đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ và nhân dân vào các dịp ngày 27/7 và 22/12 hoặc hoạt động kết nạp đoàn tại các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn.

Em Lê Hoàng Khánh Linh, học sinh lớp 8, Trường THCS Văn Hóa bộc bạch: “Mỗi lần được nghe kể chuyện về Thiếu tướng Hoàng Sâm, cháu vô cùng tự hào và xúc động. Một vùng quê nghèo khó như Văn Hóa nhưng vẫn sinh ra những con người ưu tú, kiệt xuất, có nhiều đóng góp cho đất nước, cho chúng cháu có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội, xứng đáng là con cháu của quê hương Thiếu tướng Hoàng Sâm!”.


Nhằm tri ân công lao to lớn của Thiếu tướng Hoàng Sâm, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN, các tổ chức đoàn thể và nhân dân xã Văn Hóa đang huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Sâm. Dự kiến, công trình khởi công vào ngày 22/12/2024 tại thôn Trung Đình với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai khoảng 6 tỷ đồng. Sau khi công trình hoàn thành sẽ là địa điểm cho người dân khắp nơi đến dâng hương, tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương.

Xuân Vương

https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202411/nho-thieu-tuong-hoang-sam-2222646/