Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDu LịchQuảng Trị hội tụ bản sắc văn hóa các dân tộc Việt...

Quảng Trị hội tụ bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam

Quảng Trị Hội Tụ Bản Sắc Văn Hóa Các Dân Tộc Việt Nam

Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 là sự kiện lần đầu được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Để ngày hội diễn ra thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp, hiện nay tỉnh đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Liên quan đến sự kiện văn hóa ý nghĩa này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) LÊ MINH TUẤN.

Ngày hội lớn của các dân tộc

– Thưa ông! Được biết Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 được tổ chức tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị từ ngày 14/12/2024 – 16/12/2024. Đề nghị ông cho biết quy mô và các hoạt động chính của ngày hội này?

– Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 có sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị. Cơ quan chỉ đạo ngày hội là Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh Quảng Trị.

Ngày hội diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Trong đó, hoạt động văn hóa gồm các nội dung: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc và giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, trình diễn, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống của địa phương.

Các hoạt động văn hóa của ngày hội diễn ra tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, số 1A, đường Hùng Vương, TP. Đông Hà. Hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc diễn ra tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, đường Trường Chinh. Tại đây sẽ diễn ra thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian dân tộc, gồm các bộ môn: đẩy gậy, kéo co bắn ná hoặc bắn nỏ. Đối với hoạt động du lịch, các tỉnh sẽ tham gia thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng; kỹ năng chào đón khách và thuyết minh, giới thiệu điểm đến du lịch cộng đồng.

Quảng Trị Hội Tụ Bản Sắc Văn Hóa Các Dân Tộc Việt Nam

Nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Lễ Mừng lúa mới tổ chức ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa – Ảnh: Đ.V

Bên cạnh các hoạt động chính, trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra hoạt động trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” và triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

– Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức với mục đích gì, thưa ông?

– Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam là hoạt động có ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày hội góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/ TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đây còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, cộng đồng dân tộc thiểu số làm du lịch gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng trong thời kỳ hội nhập, phát triển của đất nước.

Ngày hội là cơ hội quan trọng để quảng bá văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng nhằm thúc đẩy hiểu biết, tăng sự nhận diện bản sắc độc đáo của văn hóa từng vùng – miền, đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa toàn cầu với những đặc điểm riêng biệt.

-Để ngày hội diễn ra thành công tốt đẹp và có sức lan tỏa sâu rộng, yêu cầu đặt ra đối với công tác tổ chức là gì, thưa ông?

-Công tác tổ chức phải đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh Quảng Trị và các tỉnh, thành phố tham gia ngày hội. Các chương trình tham gia ngày hội phải được chuẩn bị chu đáo, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của Nhân dân, đề cao vai trò chủ thể văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại.

Hiện nay tỉnh Quảng Trị đã sẵn sàng các điều kiện để đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Sở VH,TT&DL – cơ quan Thường trực ban tổ chức ngày hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tổ chức ngày hội, trong đó giao cho các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung như: công tác tuyên truyền, an ninh, hậu cần, kinh phí và các điều kiện khác để tổ chức ngày hội. Tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ ngày hội. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở chuẩn bị các điều kiện phục vụ tổ chức các hoạt động tại ngày hội. Chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền trước và trong quá trình tổ chức ngày hội.

Sở phối hợp với Bộ VH,TT&DL xây dựng lịch hoạt động tại ngày hội và các nội dung liên quan, đồng thời gấp rút hoàn thành các bước cuối cùng để tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024.

Hòa vào bức tranh đa sắc màu của văn hóa các dân tộc

-Ông đánh giá thế nào về cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị trong bức tranh chung của các cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia ngày hội?

– Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị chiếm khoảng 14% dân số toàn tỉnh, với 2 cộng đồng dân tộc chủ yếu là Bru-Vân Kiều và Pa Kô, sống tập trung ở huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số xã của các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh.

-Người dân tộc thiểu số Quảng Trị có nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như: các lễ hội ngành nghề truyền thống, văn hoá ẩm thực và các bài thuốc dân gian, loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu.

Trong bức tranh chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số tham dự ngày hội các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị vừa có những nét tương đồng, vừa mang những nét đặc trưng độc đáo, thể hiện bản sắc dân tộc. Vì vậy, có thể nói, cộng đồng dân tộc thiểu số Quảng Trị là một mảnh ghép góp phần hoàn thiện tổng thể bức tranh đa sắc màu, mang đậm bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

– Ông có thể cho biết đến với Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024, đội chủ nhà Quảng Trị sẽ mang đến những chương trình, tiết mục đặc sắc nào?

– Là đơn vị chủ nhà, Quảng Trị sẽ tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024. Tại đây, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên người Vân Kiều, Pa Kô đến từ 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông sẽ có các chương trình, hoạt động được dàn dựng công phu. Các chương trình này tái hiện những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô Quảng Trị thông qua các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục; sinh hoạt lễ hội văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian; ẩm thực truyền thống tiêu biểu…

– Ngày hội cũng là dịp để các cộng đồng dân tộc thiểu số làm du lịch các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Vậy về phía Sở VH,TT&DL đã nắm bắt cơ hội này ra sao để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà?

-Chúng tôi nhận thấy rằng, ngày hội là dịp để quảng bá, giới thiệu, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, Sở VH,TT&DL đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra chất lượng các khách sạn, dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh; tham mưu chỉ đạo cải thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ lưu trú, nhân lực phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện để đảm bảo phục vụ đại biểu, khách du lịch tham dự ngày hội một cách chu đáo nhất.

Đồng thời hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có chính sách kích cầu, khuyến mại, liên kết xây dựng các chính sách kích cầu kép để tạo sự cộng hưởng, lan toả, khuyến khích mua, sử dụng sản phẩm và dịch vụ du lịch của khách du lịch đến Quảng Trị trong quá trình diễn ra ngày hội.

Cử cán bộ làm đầu mối thông tin, hướng dẫn các đoàn tham gia hoạt động tại ngày hội và tham quan các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Trong khuôn khổ ngày hội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện gian trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Trị; Hiệp hội Du lịch tỉnh thực hiện một gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản, truyền thống tiêu biểu của địa phương.

-Xin cảm ơn ông!

Đức Việt (thực hiện)

https://baoquangtri.vn/quang-tri-hoi-tu-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-190068.htm